Vừa qua, khi đi tiêm phòng Covid-19 tại TP Hải Dương, tôi thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là ứng dụng nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia trong quá trình làm thủ tục tiêm chủng còn hạn chế.
Các thông tin cá nhân người tiêm, thông tin vaccine, quá trình giám sát tiêm nhiều nơi do cán bộ viết tay nên vừa chậm vừa dễ sai sót. Cũng do thông tin không được cập nhật lên hệ thống ngay, nên sau khi tiêm từ 8-10 ngày, người tiêm mới thấy trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử hiển thị chứng nhận bản thân đã được tiêm chủng... Một số người phản ánh cả tháng sau mới có chứng nhận điện tử về việc đã tiêm.
Hiện nay, tỉnh Hải Dương đã triển khai và vận động người dân tích cực cài đặt ứng dụng Smart Hải Dương. Ứng dụng này có liên kết đến phần mềm Sổ Sức khỏe điện tử nên nhiều người đã cài đặt Sổ Sức khỏe điện tử. Để khắc phục hạn chế nêu trên, đề nghị ngành y tế khi triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 nên bố trí cán bộ cập nhật ngay thông tin cá nhân người tiêm lên hệ thống quản lý tiêm chủng giống như cách cập nhật thông tin người lấy mẫu xét nghiệm SARS- CoV-2. Như vậy, ngay sau khi tiêm, người tiêm được cấp chứng nhận điện tử ngay mà không mất nhiều ngày như hiện nay.
Hơn nữa, trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử hiện có chức năng đăng ký tiêm chủng. Việc cho phép đăng ký trước thông tin qua ứng dụng giúp hạn chế tiếp xúc giữa người đi tiêm và người phụ trách xác nhận thông tin, giảm thời gian nhập dữ liệu so với hiện nay. Người dân trực tiếp tự nhập thông tin cũng bảo đảm tính chính xác, giúp giảm thiểu sai sót. Cần khai thác hiệu quả chức năng này để tiết kiệm thời gian khai báo thông tin khi đến tiêm, người dân khi đã đăng ký có thể chỉ cần quét mã QR khi đi tiêm và sau khi tiêm để xác nhận mình đã được tiêm phòng.
Số hóa hoạt động quản lý tiêm chủng là cần thiết và phải được sử dụng một cách hiệu quả để hỗ trợ các điểm tiêm bảo đảm quy định 5K, tuân thủ quy trình tiêm chủng do Bộ Y tế ban hành.
LÂM TRANG (TP Hải Dương)