Can trường qua những ca mổ sống

29/04/2018 08:13

Trong điều kiện chiến tranh khốc liệt, thiếu thốn, nhiều người lính đã phải trải qua những ca mổ sống biết bao đau đớn ở chiến trường...

Ông Nguyễn Chuyên Chín bồi hồi nhớ về phút giây sinh tử trong ca mổ sống năm xưa

Giữa lằn ranh sống chết

Đến bây giờ, mỗi khi nhắc lại lần bị trọng thương trong lúc chiến đấu, ông Nguyễn Văn Chuy (69 tuổi, ở xã Cẩm Phúc, Cẩm Giàng) vẫn không khỏi bồi hồi. Tháng 3.1967, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Chuy viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Ông được biên chế vào Sư đoàn 5, Bộ Tư lệnh Đặc công, cùng đồng đội chiến đấu dọc theo quốc lộ 14 sát biên giới Việt Nam-Campuchia. Tháng 11.1970, ông Chuy bị địch bắn trọng thương ở nước bạn Campuchia trong khi không có đồng đội kề vai sát cánh. Ông bị vỡ hết bả vai, vỡ hàm, mất rất nhiều máu. Không có sự hỗ trợ của đồng đội nhưng nhờ kỹ năng của bộ đội đặc công, ông đã tự xác định được hướng để bò vượt qua đường 14 về đơn vị. Sau 5 ngày ròng rã men theo đường rừng, ông Chuy cũng tìm được về đến nơi trong tình trạng kiệt sức. Sau khi được sơ cứu, ông được đưa về Việt Nam phẫu thuật.

Trong một lần cùng đồng đội đi khảo sát chiến trường, khi đang trên chiếc cầu bắc qua một dòng sông, ông Nguyễn Chuyên Chín (hiện 73 tuổi) ở xã An Phụ (Kinh Môn) cùng đồng đội bị địch phục kích. Hai đồng đội đi cùng đã hy sinh, chỉ còn mình ông sống sót nhưng chân trái bị trúng đạn, lộ cả phần xương. Ông lao mình xuống dòng nước rồi cố gắng bơi vào bờ. Trong tình trạng bị thương nặng, ông bò về nơi đơn vị đóng quân. Ông đã phải dùng dao găm để tự cắt đứt mảnh thịt từ chân mình cho đỡ vướng vào những bụi cây, ngọn cỏ. Khi ấy, ngước nhìn lên ông chỉ thấy bầu trời một màu vàng vọt, không thể định hình trước mắt có những gì. Chỉ đến khi nghe tiếng người ở đầu con dốc nơi đồng đội hay đi qua để lấy gạo về, ông lấy hết sức để kêu cứu. Đồng đội đã trở lại lấy cáng để đưa ông về đơn vị. Không còn thời gian suy nghĩ, các y, bác sĩ phẫu thuật ngay cho ông Chín để cắt bỏ phần da thịt bị nhiễm trùng, có nguy cơ hoại tử.

Liều thuốc tinh thần

Nơi ông Chuy được thực hiện cuộc phẫu thuật là phòng mổ rộng chừng 4-5 m2 dưới hầm. Một chiếc màn tuyn được căng lên để tránh đất rơi xuống. Chiếc bàn mổ dã chiến là những thân cây gỗ được xếp lại với nhau, phía trên trải bạt. Chiếc máy nổ hiệu Honda được dùng để thắp sáng phòng mổ. Thuốc men cực kỳ thiếu thốn, không có thuốc gây mê mà chỉ có cồn vô trùng và thuốc gây tê tại chỗ. Thuốc gây tê tại chỗ chủ yếu là Novocain cũng rất hiếm hoi, mỗi ca phẫu thuật chỉ được dùng một liều lượng rất nhỏ bởi còn phải chắt chiu cho nhiều cuộc phẫu thuật khác. Loại thuốc này chỉ có tác dụng gây tê tại chỗ, tức thời, nên trong ca mổ ông Chuy và những thương binh khác vẫn hoàn toàn tỉnh táo. Ông cảm nhận rõ từng vết dao mổ cứa vào da thịt, từng mũi khâu đau đớn. Cơn đau cứ thế lan tỏa, chạy khắp cơ thể. Ông như chết đi sống lại, có lúc đã lịm đi. Khi tỉnh dậy, ông thấy mảnh bạt trên bàn mổ võng nước. Đó chính là những giọt mồ hôi túa ra khi ông kiên cường trải qua ca mổ.

Thiếu thốn thuốc men, dụng cụ y tế là vậy nhưng trong mỗi phút giây của các ca mổ luôn đầy ắp những liều thuốc tinh thần. Đó là tình đồng chí, đồng đội đong đầy khi tất cả trái tim đều chung nhịp đập mơ ước đến ngày độc lập, giải phóng. Trong tiềm thức, ông Chuy không thể quên được hình ảnh những y, bác sĩ vừa nhanh tay làm nhiệm vụ chuyên môn, vừa kể chuyện động viên, khích lệ các thương binh quên đi đau đớn. Ai cũng coi việc ông có thể sống sót sau từng ấy ngày bị thương không ăn uống gì là một kỳ tích.

Còn với ông Chín, các y, bác sĩ đã phải trói chân tay ông lại để tránh giãy giụa trong cơn đau. Một nữ y tá rút ra chiếc khăn mùi xoa trắng vẫn giữ bên mình để bọc cuộn băng lại đưa ông ngậm đề phòng trường hợp đau quá răng sẽ cắn vào lưỡi. Vết thương đau thấu thịt da nay lại trỗi dậy, chiếc khăn mùi xoa trắng của cô y tá đã nhuộm đỏ màu máu. Không dám nghĩ về tương lai xa xôi, những người thương binh nằm trên bàn mổ như ông Chuy, ông Chín chỉ nghĩ về những cuộc chiến đấu sắp tới, về sự hy sinh của đồng đội giúp họ như được tiếp thêm động lực. Nó là liều thuốc tinh thần vực dậy trong họ ý chí chiến đấu quật cường. Khi tất cả mờ dần trước mắt vì cơn đau cực độ, họ vẫn mơ hồ nhìn thấy ánh mắt đầy sự khích lệ, động viên không được bỏ cuộc của đội ngũ y, bác sĩ. Hơn ai hết họ hiểu rằng phẩm chất can trường của người lính không cho phép họ gục ngã trước những đau đớn của cơ thể. Họ phải vượt qua nỗi đau, phải tiếp tục sống và chiến đấu, trả thù cho đồng đội. 

Sau cuộc phẫu thuật đầu tiên để gắp những mảnh đạn găm vào chân, làm sạch vết thương khỏi nhiễm trùng, ông Chín bước vào cuộc phẫu thuật thứ hai. Các bác sĩ đã cắt một mảng da ở phần đùi của ông để vá vào vết thương nơi bắp chân. Cuộc phẫu thuật này bội phần đau đớn đã khiến ông ngất lịm. Sau này khi tỉnh lại, ông được các y tá kể rằng ông đã mấp mé cửa tử khi có lúc nhịp tim chỉ còn 30 lần/phút, mất máu quá nhiều mà không có máu tươi để truyền. Nhưng may mắn đã mỉm cười với ông khi trong kho còn sót lại duy nhất một bịch máu khô. Nó đã cứu sống, giúp ông hồi sinh, vượt qua cơn nguy kịch. 

Trở về sau cuộc chiến, ông Chín là thương binh hạng 1/4, ông Chuy là thương binh hạng 2/4. Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương cũ tái phát, họ lại nhớ về những phút giây nằm trên bàn mổ nơi chiến trường năm xưa. Chỉ có ý chí kiên cường, bất khuất, tình yêu Tổ quốc thiêng liêng, tình đồng đội sắt son mới có thể giúp họ vượt qua ranh giới của sự chịu đựng, giữ vững tinh thần chiến đấu để đi tới ngày đất nước độc lập, hòa bình.

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Can trường qua những ca mổ sống