Tại hội thảo tư vấn, phản biện góp ý Điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hải Dương đến năm 2030, nhiều đại biểu cho rằng đô thị Hải Dương cần có nét riêng biệt trong tương lai.
Sáng 23/10, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Hải Dương tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện góp ý Điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hải Dương đến năm 2030.
Tham dự có các đồng chí lãnh đạo Sở Xây dựng; các Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, Kiến trúc sư Việt Nam, Người cao tuổi tỉnh, Xây dựng tỉnh, Kiến trúc sư tỉnh và Câu lạc bộ Kiến trúc sư tỉnh.
Tại hội thảo, đại diện Sở Xây dựng báo cáo tóm tắt một số nội dung Điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hải Dương đến năm 2030.
Chương trình Phát triển đô thị tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng phát triển đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt năm 2017. Tháng 4/2024, UBND tỉnh quyết định phê duyệt kế hoạch tổ chức lập Điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hải Dương đến năm 2030 để phù hợp quy hoạch tỉnh, phù hợp mục tiêu phát triển đô thị của quốc gia và phát triển đô thị hiện hành. Đồng thời đề ra lộ tình, giải pháp đầu tư nhằm hoàn thiện các tiêu chí đô thị còn yếu và thiếu, hướng tới xây dựng hệ thống đô thị tỉnh Hải Dương theo tiêu chí “đô thị xanh, thông minh, hiện đại”.
Mục tiêu đến năm đến năm 2025, Hải Dương có 16 đô thị, tỷ lệ đô thị hoá đạt 45%; đến năm 2030 có 28 đô thị, tỷ lệ đô thị hoá 55%.
Phạm vi nghiên cứu lập điều chỉnh chương trình bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô 1.668,28 km2 gồm 12 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, 235 đơn vị hành chính cấp xã.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đánh giá dự thảo Điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hải Dương đến năm 2030 được thực hiện bài bản, bố cục chặt chẽ, đã khái quát được thực trạng phát triển đô thị, nêu được những tồn tại, hạn chế, dự báo được sự phát triển của đô thị đến năm 2030...
Các đại biểu đề nghị xem lại tên gọi, có thể lấy tên mới là "Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hải Dương đến năm 2030", có sự kế thừa chương trình cũ. Điều chỉnh chương trình quy hoạch cần làm rõ hơn định hướng, chỉ ra tiến độ cụ thể từng giai đoạn để phát triển từng đô thị như Bình Giang, Chí Linh, TP Hải Dương, Kinh Môn... Cần nêu cụ thể hơn mục tiêu phát triển đô thị Hải Dương, nhận diện thế mạnh, nét riêng biệt của đô thị Hải Dương. Nên bổ sung tiêu chí hạ tầng kỹ thuật; những giải pháp về chính sách, cơ chế hỗ trợ, thu hút đầu tư. Một số nội dung như khu, cụm công nghiệp không nên đưa quá nhiều trong điều chỉnh quy hoạch vì trong quy hoạch tỉnh đã có.
Các đại biểu cũng cho rằng cần nhiều phương pháp hơn đánh giá hiện trạng đô thị Hải Dương; hiện trạng đô thị không tách rời nông thôn, mối quan hệ này sẽ tạo ra bản sắc riêng của tỉnh. Bên cạnh đó cần đánh giá quan hệ đô thị Hải Dương và các đô thị xung quanh, từ đó giúp hình dung hệ thống đô thị trong tương lai...
NGÂN HẠNH