Theo thống kê gần đây của Tổng cục Dân số - KHHGĐ, Hải Dương vẫn nằm trong nhóm 10 tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) cao nhất cả nước.
Đáng nói là tình trạng này đã diễn ra trong thời gian rất dài. Đỉnh điểm là năm2009, tỷ lệ giới tính khi sinh của Hải Dương là 120,2 bé trai/100 bé gái, đứng thứ 2 trong toàn quốc.
Cùng với cả nước, Hải Dương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu MCBGTKS nhưng kết quả vẫn còn nhiều hạn chế. Năm 2016, tỷ lệ này vẫn ở mức 118 bé trai/100 bé gái. Tính đến tháng 6.2017, tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh của Hải Dương là 116 bé trai/100 bé gái. Theo đánh giá, con số này chưa phải kết quả thực chất của năm 2017 vì vào thời điểm cuối năm, số người sinh con tiếp tục tăng cao, do đó, tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh sẽ còn thay đổi.
Nguyên nhân của việc MCBGTKS không có gì mới. Cơ bản là do tư tưởng "trọng nam khinh nữ", mong muốn có con trai "nối dõi tông đường" vẫn tồn tại trong nhiều gia đình. Tư tưởng này ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người dân ở cả nông thôn và thành thị. Thậm chí có người còn dè bỉu những người sinh con một bề là gái. Bên cạnh đó, tiến bộ của khoa học kỹ thuật cũng "giúp sức" cho việc lựa chọn giới tính thai nhi trước sinh trở nên phổ biến và dễ dàng hơn. Các dịch vụ chẩn đoán giới tính, nạo, hút thai mặc dù có quy định chặt chẽ nhưng vẫn dễ dàng thực hiện với chi phí không cao.
MCBGTKS sẽ để lại nhiều hệ lụy xấu về lâu dài. Mới đây, chia sẻ trên một số phương tiện thông tin đại chúng, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - KHHGĐ đã cảnh báo nếu cứ theo đà MCBGTKS ở nước ta như hiện nay thì đến khoảng năm 2050, Việt Nam sẽ thừa 2,3-4,3triệu nam giới trưởng thành mà không có số lượng phụ nữ tương ứng để lập gia đình. MCBGTKS còn ảnh hưởng không nhỏ đến quyền bình đẳng giới của phụ nữ. Khi lượng nữ giới ít sẽ làm gia tăng nguy cơ mua bán dâm, buôn bán phụ nữ, xâm hại tình dục trẻ em... Ngoài ra, vì lựa chọn giới tính thai nhi, nhiều phụ nữ phải nạo, hút thai, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và khả năng sinh sản.
Để kiểm soát MCBGTKS, cuối tháng 6.2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện kiểm soát MCBGTKS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Theo kế hoạch, mục tiêu cụ thể phấn đấu trung bình mỗi năm giảm ít nhất 0,4 điểm % tỷ số giới tính khi sinh; giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh và tạo cơ sở thuận lợi để đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên trước năm 2030.
Để đạt được kết quả này, các cơ quan chức năng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân, loại bỏ tư tưởng "trọng nam khinh nữ". Việc tuyên truyền cần triển khai tích cực, đặc biệt là ở cơ sở. Cần tuyên truyền những tấm gương điển hình là những gia đình sinh con một bề là gái có cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc. Xử lý nghiêm các cơ sở y tế có các hành vi liên quan đến việc lựa chọn giới tính thai nhi mà pháp luật không cho phép.
Bên cạnh biện pháp của cơ quan chức năng, nhận thức của cán bộ y tế và mỗi người dân mới là yếu tố quyết định. Cán bộ y tế cần làm đúng trách nhiệm của mình, không vì bất cứ lý do gì hỗ trợ cho việc lựa chọn giới tính thai nhi. Bản thân mỗi người dân phải nhận thức rõ nhiều chính sách an sinh xã hội đã và đang được triển khai hiệu quả là tiền đề để bảo đảm cuộc sống tuổi già cho mọi người. Vì vậy, suy nghĩ cần phải có con trai để có chỗ dựa về già sẽ trở nên lạc hậu, không cần thiết.
NGỌC THANH(TP Hải Dương)