Các cấp uỷ đảng, từng đảng viên phải nhận thức đúng đắn, đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng và tác dụng tích cực của việc đánh giá, phân loại đảng viên và tổ chức đảng.
Kiểm điểm, đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên giúp cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị có cơ sở đề ra chủ trương, giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, hạn chế trong lãnh đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng.
Năm 2018 có sự đổi mới trong đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên cả về nội dung kiểm điểm, khung tiêu chí đánh giá xếp loại mở rộng hơn, tiêu chí để phân loại theo hướng yêu cầu cao hơn. Đặc biệt, năm nay phải kiểm điểm việc chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và lượng hóa kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao đối với cả tập thể lãnh đạo, quản lý và cá nhân.
Đối với đảng viên là công chức, viên chức và những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, yêu cầu kiểm điểm làm rõ khối lượng, chất lượng, tiến độ, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao gắn với vị trí việc làm; tinh thần đổi mới, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm; ý thức, thái độ phục vụ nhân dân. Như vậy, việc kiểm điểm đã gắn chặt với kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và đánh giá cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóaXII) về công tác cán bộ.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cấp uỷ các cấp đã kịp thời hướng dẫn kiểm điểm phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên, xây dựng các mẫu biểu cụ thể, làm cơ sở cho các tổ chức đảng và đảng viên tiến hành kiểm điểm đánh giá, phân loại một cách khách quan, thực chất và hiệu quả.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cần tránh tình trạng: Công tác tự đánh giá, phân loại chưa chặt chẽ, không phản ánh đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ của đảng viên và tổ chức đảng; ngại góp ý, nhất là góp ý đối với đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Việc đánh giá, phân loại mang tính hình thức, khiên cưỡng, máy móc. Thực tế những năm trước đã có tình trạng cấp uỷ xem việc đánh giá, phân loại là việc đến hạn thì làm, làm xong là được, qua loa, đại khái, hình thức. Không ít đảng viên khi làm bản kiểm điểm còn sơ sài, chung chung. Không ít bản kiểm điểm không nhận ra và không đánh giá hết những mặt hạn chế của mình, chỉ thấy mặt mạnh, những việc làm được, mặt hạn chế chỉ một đôi dòng với những cụm từ “đôi khi, có lúc”.
Đã có chi bộ chỉ xét chung chung, đảng viên nào không sai phạm gì lớn là hoàn thành nhiệm vụ, đảng viên làm một số việc được giao là coi như hoàn thành tốt. Khi đánh giá, phân loại, nhiều nơi bỏ qua yêu cầu đánh giá cụ thể mà suy tôn kiểu: đã là bí thư chi bộ, bí thư đảng ủy, là thủ trưởng thì dù có thiếu sót, thậm chí có lỗi vẫn được bình bầu là đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, thậm chí còn bình bầu là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Có nơi cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền không dám xử lý đảng viên hay tổ chức đảng yếu kém, vi phạm vì sợ ảnh hưởng thành tích chung, mất danh hiệu trong sạch, vững mạnh của tổ chức mình. Nếu cứ kiểu xử nội bộ thì đảng viên có sai phạm sẽ tiếp tục sai phạm nặng hơn. Dẫn tới chất lượng công tác của đảng viên yếu kém, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng giảm sút, lòng tin của nhân dân với Đảng tiếp tục suy giảm.
Để có được đội ngũ cán bộ, đảng viên và tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới hiện nay, thiết nghĩ các cấp uỷ đảng, từng đảng viên phải nhận thức đúng đắn, đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng và tác dụng tích cực của việc đánh giá, phân loại đảng viên và tổ chức đảng. Tránh tình trạng chỉ làm đối phó, làm cho qua chuyện theo kiểu “rằm thì trăng tròn”, khắc phục lối làm tuỳ tiện, bỏ qua việc kiểm điểm của từng đảng viên và việc góp ý phê bình của các đảng viên trong chi bộ. Chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng làm lướt, bản kiểm điểm thì viết qua loa, chiếu lệ; trong góp ý phê bình thì e dè, nể nang, tránh né, dĩ hòa vi quý, chạy theo thành tích, đánh giá theo cảm tính...
ĐẶNG ĐÌNH CHIẾN (Nam Sách)