Các nước và khu vực có thu nhập cao nhất có tốc độ tiêm chủng cao hơn 20% so với những nước có mức thu nhập thấp nhất.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Sumapaz, Colombia. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ ngày 17.10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 241.150.666 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.909.653 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 218.394.226 người.
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 342.060 ca mắc COVID-19 và 5.325 ca tử vong. Anh có số ca mắc mới cao nhất tính trên phạm vi toàn cầu, với 43.423 ca, trong khi Nga có số ca tử vong cao nhất, với 1.002 ca. Đây là lần đầu tiên Nga ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong một ngày.
Theo Cơ quan Phòng chống COVID-19 của Nga, hiện có khoảng 45% người Nga trưởng thành đã có kháng thể sau khi được tiêm phòng hoặc đã nhiễm bệnh.
Cùng ngày, Nga đã bổ sung thêm mục dữ liệu tiêm vaccine ngừa COVID-19 của người dân và bản đồ nhiệt tình hình dịch tễ ở các khu vực của nước này trên cổng thông tin stopkoronavirus.rf.
Thống kê cho thấy hiện có hơn 51 triệu người trưởng thành trong tổng số 144 triệu dân của Nga đã được tiêm một liều vaccine ngừa COVID-19, 47,5 triệu người được tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc một mũi Sputnik Light.
Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova cho rằng tỷ lệ miễn dịch cộng đồng cần ở mức 80% để bảo đảm khả năng bảo vệ người dân trước đại dịch COVID-19. Tỷ lệ người dân Moskva có kháng thể chống virus SARS-CoV-2 hiện là 61%.
Trong khi đó, số ca mắc mới tại Anh đang có chiều hướng gia tăng. Trong tuần từ ngày 10-16.10, số ca mắc mới tại nước này tăng 12,8% so với bảy ngày trước đó.
Thống kê của Bloomberg cho thấy hơn 6,66 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sử dụng trên thế giới, tương đương 43,3% dân số toàn thế giới đã được tiêm. Tuy nhiên, có một thực tế đáng quan ngại đó là phân phối vaccine không đồng đều.
Theo Bloomberg, các nước và khu vực có thu nhập cao nhất có tốc độ tiêm chủng cao hơn 20% so với những nước có mức thu nhập thấp nhất. Do đó, giới chuyên gia cho rằng với tốc độ tiêm chủng như hiện nay, thế giới cần thêm sáu tháng nữa mới có thể bao phủ vaccine cho 75% dân số toàn cầu.
Nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine ngừa COVID-19, Ủy ban Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Washington D.C (Mỹ) đã có buổi làm việc với ông Stephen Claeys, Giám đốc cấp cao về chính sách thương mại của công ty dược Pfizer, về hợp tác giữa Pfizer với các nước khu vực Đông Nam Á. Tham dự buổi làm việc có đại sứ và đại diện của tất cả 10 nước ASEAN tại Mỹ.
Tại cuộc họp, ông Clayes khẳng định Pfizer cam kết tạo sự tiếp cận bình đẳng với giá cả hợp lý cho tất cả mọi người. Cho đến ngày 4.10, hãng đã cung cấp 1,7 tỷ liều vaccine cho 140 nước và vùng lãnh thổ và dự kiến sẽ cung cấp 3 tỷ liều vaccine cho các nước trên thế giới trong năm 2021 và 4 tỷ liều vaccine trong năm 2022.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh y tế toàn cầu tháng 5 vừa qua, Pfizer đã cam kết cung cấp 2 tỷ liều vaccine cho các nước thu nhập trung bình và thấp trong năm 2021 và 2022 thông qua thỏa thuận trực tiếp với các chính phủ, thỏa thuận với COVAX, hợp đồng cung cấp 1 tỷ liều vaccine với Chính phủ Mỹ để cung cấp cho các nước thu nhập trung bình thấp và thấp, cũng như các chương trình viện trợ nhân đạo.
Pfizer đã cung cấp vaccine cho các nước ASEAN theo các cơ chế trên và hỗ trợ một số nước ASEAN nâng cao nhận thức về vaccine. Ông ghi nhận các ý kiến đóng góp tích cực của các nước ASEAN và cho biết Pfizer sẽ thực hiện các cam kết đã ký.
Đại sứ và đại diện của nhiều nước ASEAN như Philippines, Singapore… chia sẻ quan điểm của Việt Nam về việc Pfizer nên xây dựng cơ sở sản xuất tại Đông Nam Á, một khu vực đang phát triển nhanh và năng động; đồng thời khuyến nghị nên có sự hợp tác ba bên giữa Pfizer, ASEAN và chính quyền Mỹ trong việc phòng chống đại dịch; đề nghị Pfizer tiếp tục hỗ trợ các nước sống chung với đại dịch và chuẩn bị ứng phó với các đại dịch trong tương lai.
Theo TTXVN