Cẩn thận khi chọn ngành 'hot'

27/01/2018 15:54

Đó là lưu ý của các chuyên gia tại chương trình tư vấn tuyển sinh 2018 diễn ra tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An sáng 27.1.


PGS-TS Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học tư vấn cho các thí sinh về kỳ thi năm 2018. Ảnh: CHÍ TUỆ

Hàng ngàn học sinh tham dự chương trình năm nay. Đây là năm thứ 5 liên tục chương trình được tổ chức cho học sinh xứ Nghệ.

Đăng ký xét tuyển: không nên 'tham' nguyện vọng

Tại phần tư vấn chung, nhiều học sinh muốn biết rõ hơn quy định của kì thi THPT quốc gia năm nay. Những băn khoăn của thí sinh tập trung vào hướng ra đề thi sẽ có tỉ lệ nội dung kiến thức lớp 11 và 12 như thế nào, những lưu ý khi làm bài thi tổ hợp, nên đăng kí bao nhiêu nguyện vọng tuyển sinh, kì thi và tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) có gì mới so với năm trước không?

Đáp lại băn khoăn này, PGS.TS Trần Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho biết Bộ GD-ĐT đã có chủ trương ổn định kỳ thi đến 2020 nên kỳ thi 2018 không có sự xáo trộn môn thi, chỉ có nội dung kiến thức được mở rộng hơn trước, ngoài kiến thức lớp 12 thì còn có một phần nội dung kiến thức lớp 11. Tuy nhiên, kiến thức lớp 12 vẫn là chủ yếu.

Ông Tuấn cũng đặc biệt lưu ý đến việc điền thông tin đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển của thí sinh, tránh việc khai thông tin sai, sẽ gây khó trong quá trình thi, xét tuyển.


Học sinh đặt câu hỏi cho tổ tư vấn tại chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2018 ở Nghệ An. Ảnh: CHÍ TUỆ

Năm 2017, sau khi có kết quả thi, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng. Thống kê chung của Bộ GD-ĐT năm 2017 cho thấy đây là khâu mà thí sinh thường mắc phải sai sót. Vì vậy, thí sinh phải lưu ý điền đầy đủ, chính xác các thông tin theo hướng dẫn.

Riêng với việc đăng ký xét tuyển ĐH, ông Tuấn khuyến cáo thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng, vừa tốn kém cho bản thân, vừa không nhiều ý nghĩa với việc xét tuyển, lại gây khó khăn chung cho hệ thống.

"Từ năm 2017, thí sinh được đăng ký không hạn chế số lượng nguyện vọng vào các trường xét tuyển. Năm ngoái, có trường hợp đăng ký hơn 40 nguyện vọng, rất lãng phí.

Các em chỉ nên đăng ký nguyện vọng phù hợp với sở thích, năng lực bản thân và điều kiện gia đình. Kinh nghiệm là mỗi thí sinh nên chọn một số nguyện vọng cao hơn mức điểm thi, một số ngang bằng điểm thi và một số nguyện vọng thấp hơn điểm thi", ông Tuấn nhấn mạnh.

Ngành "hot": hãy cẩn thận

TS Phạm Mạnh Hà - chuyên gia tư vấn hướng nghiệp của Báo Tuổi trẻ, Phó Trưởng khoa Công tác thanh niên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cũng lưu ý học sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin để xác lập, chuẩn bị được tâm lý, kỹ năng tự khởi nghiệp, chuẩn bị khả năng độc lập tự chủ để xin việc mới có thể thành công, chứ không nên chờ đợi, phụ thuộc quá nhiều vào tâm lý cho rằng ngành này, ngành kia đang rất "hot", cứ tốt nghiệp là có việc làm ngay.

Ví dụ ngay cả ngành công an, quân đội đang được thí sinh rất quan tâm thì bên cạnh cơ hội việc làm thấy rõ, các em phải chấp nhận môi trường rèn luyện chuyên nghiệp.

Ngoài ra, với những thí sinh có khát vọng làm giàu, có ưu thế và muốn phát huy khả năng trong những mối quan hệ xã hội rộng mở càng phải cân nhắc khi lựa chọn các trường, ngành này.

"Hiện nay đa số các em đã lựa chọn được ngành nghề, nhưng càng nhiều thông tin thì càng khó lựa chọn. Xu hướng ngành nghề hiện đại không còn quá phụ thuộc kiến thức chuyên sâu mà cần những kiến thức tổng hợp.

Nếu học một ngành khó xin việc, các em có thể mở rộng diện lựa chọn để sau khi tốt nghiệp có thêm kiến thức, kỹ năng để dễ xin việc và dễ khởi tạo việc làm cho chính mình", ông Hà chia sẻ.

Vừa thích học kinh doanh vừa thích học ngoại ngữ thì học ở đâu thì có thể học hai ngành? Có khá nhiều những câu hỏi này, tập trung ở nhóm các học sinh Trường chuyên Phan Bội Châu.

Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó Trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, xu hướng liên ngành rất cao ở ĐH Quốc gia Hà Nội và nhiều trường khác. Theo đó sinh viên có thể đăng kí học bằng kép, song ngành…

"Học các ngành gần nhau thì khối lượng kiến thức chỉ tăng 30-50% nếu học hai ngành. Ngoài ra sinh viên có thể học từ xa, học online. Điều quan trọng nhất là sinh viên phải chăm chỉ để có kết quả tốt", PGS-TS Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân chia sẻ.

Trả lời câu hỏi lo lắng về "cơ hội việc làm ngành kinh tế", PGS- S Bùi Đức Triệu cho biết: "Đừng lo thiếu cơ hội công việc, chỉ cần lo học cho tốt. Vì giỏi thì bao giờ cũng thiếu".

Nói thêm về điều này, TS Nguyễn Đào Tùng, Trưởng Ban Đào tạo, Học viện Tài chính công bố con số năm 2017, khảo sát sinh viên ra trường sau 3 tháng thì 70% có việc làm, sau 1 năm 97,72% có việc làm.

Tuy vậy TS Nguyễn Đào Tùng vẫn nhấn mạnh đến chất lượng học tập mà sinh viên cần đạt. Muốn có được điều đó, các em cần cân nhắc kĩ để chọn ngành học mình có thể yêu thích, gắn bó lâu dài. Có yêu thích thì mới nỗ lực, chăm chỉ để đạt được kết quả tốt.

"Chỉ có bác sĩ giỏi, không có bác sĩ trung bình, khá"

Rất nhiều học sinh quan tâm đến ngành y, đặc biệt là ngành bác sĩ đa khoa khiến TS Lê Đình Tùng phải lưu ý: "Chỉ có bác sĩ giỏi, không có bác sĩ trung bình khá. Giỏi mà nhiều người vẫn còn bị phê bình nên nếu không giỏi thì chứng tỏ các bạn đã chọn nhầm nghề".

Theo ý kiến thầy Tùng thì việc học y rất vất vả, áp lực, đòi hỏi tinh thần tự học, trách nhiệm cao kể cả khi ra trường, hành nghề.

Trả lời câu hỏi của thí sinh hỏi về ngành đào tạo bác sĩ đã bão hòa chưa, TS Lê Đình Tùng dẫn ra một con số khá ấn tượng là theo mục tiêu tới năm 2020 thì còn thiếu khoảng 27.000 bác sĩ và gần 33.000 điều dưỡng.

Trong khi đó chỉ tiêu đào tạo tất cả các trường có ngành y trên cả nước hiện nay mới chỉ cung cấp khoảng 4.000 bác sĩ/năm nên vẫn thiếu bác sĩ và nhân viên y tế. Chỉ có điều dù thiếu nhưng học không tốt thì vẫn không có việc làm.

TS Lê Đình Tùng nhắc lại lời khuyên với các em học sinh đừng chọn ngành y chỉ vì "được tuyển thẳng" hay vì "độ hot" của ngành, bởi áp lực học tập rất lớn đòi hỏi người học phải có sự yêu thích với nghề và có những tố chất cần thiết để đáp ứng yêu cầu cao của ngành học.

Băn khoăn học nghề

Ở khu tư vấn khoa học tự nhiên-kĩ thuật công nghệ-y dược, một thầy giáo dạy phổ thông đặt câu hỏi liên quan tới việc phân luồng học nghề sau THCS, THPT.

"Học sinh học hết THCS chưa thể đủ kiến thức để sau này bước ra cuộc sống. Vậy nếu học sinh chọn học trường nghề chứ không học lên THPT thì các trường nghề phải bổ sung kiến thức văn hóa như thế nào?

Một số câu hỏi của học sinh tại khu vực này cũng muốn biết cơ hội việc làm ngay tại địa phương nếu các em không chọn con đường thi đại học mà học trung cấp, CĐ tại Nghệ An.

Cô Trần Thị Nhung, Phó Phòng Tuyển sinh, Trường trung cấp Y Miền Trung đã chia sẻ với các bạn học sinh nhiều ngành học ở các trường trung cấp, CĐ tại địa phương.

"Các em sẽ có lợi thế vì gần nhà, không tốn kém kinh phí sinh hoạt và di chuyển. Bên cạnh đó, nhiều trường trung cấp, CĐ hiện nay đào tạo các ngành nghề theo địa chỉ đặt hàng của doanh nghiệp hoặc căn cứ vào nhu cầu nhân lực tại địa phương vì thế cơ hội việc làm cao.

Rất nhiều ngành học nếu không làm việc trong các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước thì có thể khởi nghiệp với những kiến thức, kĩ năng được học. Các em có thể làm trình dược viên, làm trong các công ty dược, cơ sở y tế, điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe", cô Nhung chia sẻ.

Yêu thích sư phạm nhưng lo thừa giáo viên


Tổ tư vấn nhóm ngành khoa học xã hội, sư phạm, báo chí, công an, quân đội tư vấn trực tiếp cho các em học sinh. Ảnh : CHÍ TUỆ

"Em là học sinh chuyên văn Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và có nguyện vọng học sư phạm. Nhưng đầu ra ngành sư phạm thời gian gần đây quá hạn chế. Em thấy băn khoăn với chính quyết định của mình", một thí sinh bày tỏ lo lắng.

TS Trần Bá Tiến - Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Vinh, cho biết năm 2018, học sinh Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu sẽ được tuyển thẳng vào trường.

"Điều tra, khảo sát mới đây về nhu cầu giáo viên ở ba tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh cho thấy tình trạng giáo viên ở một số nơi thừa nhưng vẫn còn một số nơi thiếu, thường là thiếu người giỏi mà thừa những người chưa giỏi lắm.

Học sinh trường THPT chuyên Phan Bội Châu là những học sinh ưu tú, nên tin chắc khi các em tốt nghiệp, sẽ nhiều nơi giang tay. Ngoài ra, các em còn có cơ hội học ngành hai để nhân đôi cơ hội việc làm", ông Tiến nói.


Học sinh tìm hiểu nhiều thông tin tuyển sinh năm 2018 trên báo Tuổi Trẻ. Ảnh: DOÃN HÒA

Thầy Lê Văn Thắng - giáo viên Trường THPT Nghi Lộc 3 đặt câu hỏi về kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Ảnh: DOÃN HÒA

Các học sinh hào hứng chụp ảnh với đồng phục trường Đại học Hàng hải. Ảnh: DOÃN HÒA

Học sinh đi nghe tư vấn và... cổ vũ cho đội tuyển U23 Việt Nam. Ảnh: DOÃN HÒA

Sáng 27.1, Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2018 diễn ra đồng thời tại TP Huế và TP Vinh, Nghệ An.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Bộ GD-ĐT, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

Ngày 28.1, Tuổi Trẻ sẽ phát hành phụ trương Cùng bạn chọn trường. Phụ trương là cầu nối giúp học sinh, phụ huynh hiểu tường tận ngành đào tạo của từng trường ÐH, CÐ, trung cấp, trường nghề để chọn đúng ngành nghề yêu thích và phù hợp năng lực.

Các trường có nhu cầu thông tin ngành nghề đào tạo đến thí sinh vui lòng liên hệ điện thoại: (028) 3997 4848 - 3844 0928 (gặp anh Trung Hiếu) hoặc văn phòng đại diện của Tuổi Trẻ ở các tỉnh thành.

V.HÀ - N.HÀ (Tuổi trẻ)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cẩn thận khi chọn ngành 'hot'