Các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý đối với người nhập cư trên địa bàn tỉnh, tránh xảy ra những hiện tượng trộm cắp tài sản, mất ANTT.
Cùng với sự phát triển chung trong cả nước, trong thời gian gần đây, kinh tế - xã hội của Hải Dương ta có nhiều khởi sắc. Rất nhiều trường đại học, cao đẳng đã được thành lập mới hoặc mở rộng. Học sinh ở nhiều nơi trong cả nước có mặt tại tỉnh Hải Dương. Nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh được thành lập, cần nhiều nhân lực, trong đó có nhiều người ở tỉnh ngoài.
Nhiều thanh niên ở tỉnh ngoài đến Hải Dương để làm ăn đã liên kết với nhau thành từng nhóm đồng hương để thuận tiện cho làm việc, sinh hoạt và liên hệ với quê hương. Họ cảm thấy thiếu sự quản lý của chính quyền và ít được xã hội chú ý. Vì tâm lý này mà một số thanh niên cho rằng nếu họ có làm việc gì xấu thì không ai biết.
3 thanh niên quê ở xã Đại Đồng, Đức Thọ (Hà Tĩnh) cùng làm thuê ở phường Thái Học (Chí Linh) đã rủ nhau lấy trộm 1 bộ lốp xe ô-tô trị giá 10,2 triệu đồng của cửa hàng Đình Thức ở phường Cộng Hòa (Chí Linh) tháng 4-2012.
Những vụ nhóm thanh niên tỉnh ngoài cùng phạm tội ở Hải Dương còn nhiều.
Học sinh, sinh viên ngoại tỉnh đa phần là thuê nhà trọ. Họ ăn, nghỉ, quan hệ giao lưu hầu hết đều ở đây. Do ảnh hưởng của mặt trái cơ chế thị trường, lại không có sự quản lý thường xuyên của gia đình nên nhiều thanh niên đã có nhận thức không đầy đủ về lối sống. Trong khi đó, nhà trọ ở các nơi hầu hết là vô tổ chức, ai làm gì tùy thích. Lối sống gấp, buông thả, chỉ muốn hưởng thụ đã gây ra những hậu quả xấu cho bản thân, gia đình, xã hội và nơi cư trú. Nhiều thanh niên rất trẻ đã nghiện ma túy, tự hủy hoại thân thể và cuộc sống của mình. Nhiều người đã phải vào tù, bị đuổi học bởi hành vi trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, đánh bạc… Có vụ án kinh hoàng đã xảy ra mà kẻ gây án và nạn nhân đều là người ngoại tỉnh như vụ án Nguyễn Văn Phúc giết người xảy ra ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng).