Cần quy định rõ vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội

17/03/2013 06:25

Đến ngày 15-3, tất cả các huyện, thị, thành đoàn và đoàn trực thuộc đã tổ chức hội nghị cán bộ, ĐVTN góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Qua tổng hợp, đã có 292 ý kiến phát biểu trực tiếp tại các hội nghị và gần 300 ý kiến của các cấp bộ đoàn, cán bộ, đoàn viê, thanh niên (ĐVTN) gửi bằng văn bản. Đa số các ý kiến nhận định, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có tính khái quát cao, hầu hết các nội dung sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp đều phù hợp, tiếp tục khẳng định các nguyên tắc, tính cách mạng, tính hiện thực của Hiến pháp... Một số ý kiến cho rằng, trong phần Lời nói đầu có câu “Nhân dân Việt Nam, với truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, xây dựng và thi hành hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và không nhắc đến nền độc lập của dân tộc, đề nghị thêm 2 chữ “độc lập” vào sau cụm từ “vì mục tiêu” là phù hợp với những điều sau của dự thảo như điều 11 và 12... Phần quy định về các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội khác thiếu nhất quán và chưa đầy đủ. Điều 10 vẫn chỉ quy định về Công đoàn Việt Nam mà không quy định về 5 tổ chức chính trị - xã hội khác có vai trò tương tự là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam... Vị trí, vai trò của các tổ chức xã hội khác còn lại cũng chưa được đề cập (ngoài ý nói Nhà nước tạo điều kiện hoạt động đã nói ở trên). Cần quy định rõ vị trí, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội nói chung, trong đó có Công đoàn và các tổ chức xã hội khác (được gọi là xã hội dân sự)...

* Thời gian qua, Thường trực HĐND, Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Ninh Giang đã triển khai, thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thông qua các hình thức như hội nghị lấy ý kiến của thường trực cấp ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội từ huyện đến cơ sở; lấy ý kiến qua hộp thư góp ý và qua trang thông tin điện tử. Theo báo cáo tổng hợp của Thường trực HĐND huyện, qua 1 tháng triển khai, toàn huyện có 270 ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội nghị và gửi văn bản, thể hiện tính nghiêm túc, trách nhiệm, thống nhất cao của các tổ chức, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với việc sửa đổi hiến pháp. Các ý kiến đều đánh giá: bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nhiều điểm mới, kế thừa được các bản hiến pháp trước đó. Các ý kiến thảo luận, đóng góp đã tập trung phân tích và làm rõ các nội dung như lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của hiến pháp và quy trình sửa đổi hiến pháp.

PV - CTV

(0) Bình luận
Cần quy định rõ vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội