Chiều 28.5, thảo luận tại tổ về các dự án: Luật Lực lượng dự bị động viên và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đa số đại biểu tán thành về sự cần thiết ban hành các luật trên.
Đại biểu Nguyễn Hải Hưng (Hải Dương) góp ý vào Luật Lực lượng dự bị động viên
Đại biểu Bùi Mậu Quân (Hải Dương) khẳng định luật này được xây dựng sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc để nâng cao khả năng quản lý cũng như tạo điều kiện cho công dân khi tham gia xuất nhập cảnh, phù hợp với yêu cầu hội nhập cũng như các điều ước quốc tế. Đại biểu Quân nhấn mạnh về những điểm đổi mới được đề cập trong dự thảo luật, như quyền cấp hộ chiếu đã được mở rộng, kể cả với cả người bị tạm hoãn xuất cảnh.
Đối với việc giải quyết cấp hộ chiếu cho công dân, đại biểu Quân cho rằng trước đây có quá nhiều thủ tục phiền hà, dẫn đến tiêu cực của cán bộ làm nhiệm vụ. Việc quy định rõ nội dung này trong luật sẽ là cơ sở để người dân cùng tham gia giám sát, theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ trong ngành.
Điểm mới của nội dung này trong dự thảo luật, đó là việc không quy định về việc nộp hồ sơ cũng như không yêu cầu chứng minh lý do xuất nhập cảnh đối với người dân đến đăng ký làm thủ tục xuất nhập cảnh. Thay vào đó, người dân chỉ cần khai theo mẫu quy định, có thể khai trực tuyến và xuất trình chứng minh nhân thân là xong.
Người có căn cước công dân có thể làm hồ sơ cấp hộ chiếu ở bất cứ tỉnh thành, không cần phải là nơi đăng ký hộ khẩu. Trước đây, những trường hợp hộ chiếu hết hạn thì bị buộc phải về nơi sinh sống để làm và nộp lại hồ sơ nhưng giờ thì không cần nữa. Việc nhận hộ chiếu cấp mới hoặc cấp lại cũng linh hoạt hơn, không bị bó buộc tại địa điểm nơi người đó đăng ký làm hộ chiếu. Trẻ em từ 14 tuổi trở lên là đã được quyền yêu cầu cấp hộ chiếu thường hoặc điện tử, có gắn chip.
Đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho rằng cần phải quy định chặt chẽ về chế tài xử phạt vi phạm trong xuất cảnh. Đại biểu đưa ra những dẫn chứng như trường hợp của Vũ "nhôm", hay Bùi Quang Huy. Khi tiến hành khám nhà thì người đã lên máy bay đi nơi khác. Sau đó không ai giải thích là do đâu, như thế nào lại đi được. Vì vậy, cần xem xét kỹ các trường hợp như thế.
Góp ý về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên, đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng trong điều 7, dự thảo luật chỉ nhấn mạnh vào đào tạo, không nói đến sau đào tạo, cập nhật huấn luyện như thế nào. Quy định về độ tuổi trong dự thảo luật là 35-40-45. Đây là quy định độ tuổi trong thời bình, còn thời chiến thì sao? Đại biểu Nguyễn Hải Hưng (Hải Dương) cho rằng quân nhân dự bị thì phải tính đến độ tuổi, vào đây là vào các đơn vị quân đội, nên phải bảo đảm về sức khoẻ, độ tuổi...
Ngày 29.5, QH làm việc tại hội trường, nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc phân bổ dự phòng chung vốn ngân sách trung ương trong nước còn lại và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; bổ sung danh mục dự án mới từ nguồn điều chỉnh nội bộ và dự phòng 10% tại bộ, ngành, địa phương và một số nội dung liên quan đến việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Xin ý kiến đại biểu QH bằng hệ thống điện tử về 2 nội dung của dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Thảo luận ở tổ về việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Buổi chiều, QH thảo luận ở tổ về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
CTV