Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo tổng thể nguồn lực cải cách tiền lương, đồng thời quan tâm đến chính sách tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức cấp cơ sở.
Sáng 2/11, Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước và nhiều nội dung quan trọng khác. Trong đó, nguồn lực cải cách tiền lương và vấn đề thiếu vắc xin tiêm cho trẻ em được các đại biểu quan tâm.
Liên quan đến chính sách tiền lương, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi) đề nghị Chính phủ báo cáo nguồn lực tổng thể việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương giai đoạn 2024 - 2026, dự báo đến năm 2030.
Đại biểu đoàn Quảng Ngãi lưu ý, cần đặc biệt quan tâm đến chính sách tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức cấp cơ sở, cán bộ phường, thị trấn, thôn bản.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thành Nam (đoàn Phú Thọ) cũng đề nghị Chính phủ xem xét nghiên cứu bố trí ngân sách đảm bảo ổn định chế độ cho các lực lượng ở cấp cơ sở.
Theo ông Nam, trong giai đoạn ngân sách 2022-2025, một số chính sách do Trung ương ban hành chưa kịp bố trí trong ngân sách địa phương, dẫn đến việc phải sử dụng nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ khác để kịp thời chi trả chế độ cho đối tượng phù hợp.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cho biết, nhiều địa phương căn cứ vào tình hình thực tế và nguồn lực ngân sách địa phương đã ban hành một số chính sách cho các đối tượng cụ thể theo lương cơ sở.
Điển hình trong đó có chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài biên chế đang hợp đồng tại các cơ sở giáo dục công lập để đảm bảo tỷ lệ giáo viên đứng lớp; hay chính sách chi trả phụ cấp cho khuyến nông viên cơ sở; chính sách chi phụ cấp kiêm nhiệm cho HĐND các cấp.
Lo ngại tình trạng không đủ vắc xin tiêm cho trẻ em
Nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề cập đến nội dung “cơ chế đặc thù cho mua sắm vắc xin trong bối cảnh hiện nay”.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thiếu vắc xin là một vấn đề rất nghiêm trọng, bởi việc tiêm chủng và tuân thủ lịch tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh chủ động, một trong những phương thức hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe trẻ em.
“Trẻ em không được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ, đúng lịch đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã xếp khả năng bệnh bại liệt quay trở lại Việt Nam từ mức thấp nhất lên mức trung bình cao từ đầu năm 2023, nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu vắc xin bại liệt”, đại biểu Hà nói.
Theo bà Hà, ngay tại Hà Nội, đến tháng 11/2023 đã có 5/10 loại vắc xin không được cấp đủ để tiêm chủng cho trẻ như: sởi đơn, bạch hầu - ho gà - uốn ván, lao, viêm gan B, bại liệt.
“Không có vắc xin tiêm chủng mở rộng, người dân phải tìm đến tiêm dịch vụ tốn kém. Khi thiếu vắc xin miễn phí thì đối tượng bị ảnh hưởng nhất chính là những trẻ em nghèo, trẻ em vùng dân tộc miền núi”, bà Hà nói và đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm đến vấn đề này để đảm bảo cho trẻ em được tiêm chủng đúng liều, đúng lịch.
Trước đó, giải trình trước Quốc hội về vấn đề tiêm chủng mở rộng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, cơ quan này đã tổ chức mua sắm theo đúng quy định của pháp luật, 10 loại vắc xin sản xuất trong nước đã được đặt hàng.
"Hiện nay Bộ Tài chính đang tích cực phối hợp cùng với Bộ Y tế để thẩm duyệt, phê duyệt giá và dự kiến hoàn thành trong tháng 11/2023”, Bộ trưởng Y tế nói.
Đối với vắc xin "5 trong 1" phải nhập khẩu, bà Lan cho biết đã thực hiện xong quy trình đấu thầu và cũng đang chờ kết quả để triển khai thực hiện trong tháng 11/2023.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã vận động các nhà tài trợ trong nước và WHO, UNICEF hỗ trợ gần 300.000 liều vắc xin "5 trong 1" cho 63 địa phương để thực hiện tiêm chủng.
Theo Vietnamnet