Cần những cách làm sáng tạo

07/08/2014 10:57

Để nghị quyết đi vào cuộc sống, mỗi địa phương, đơn vị đều cần có một kế hoạch hành động cụ thể với những cách làm sáng tạo.


Hội nghị cán bộ chủ chốt của tỉnh quán triệt, học tập, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI)


Với quan điểm “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước...”, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) của Đảng tiếp tục đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, mỗi địa phương, đơn vị đều cần có một kế hoạch hành động cụ thể với những cách làm sáng tạo.

Đòi hỏi từ thực tiễn

“Tôi đã từng chứng kiến cảnh một đám tang trên đường phố Hải Dương với đủ các nghi thức, không theo một phong cách văn hóa nào cả: vừa có xe rước ảnh Phật, vừa có đội nhạc như của nhà thờ Thiên chúa giáo, lại cả phường bát âm theo nghi lễ cổ truyền và đoàn người đi đưa với trang phục hiện đại, không ít thanh niên vẫn cười nói rôm rả. Vẫn còn có đám rải vàng mã dọc đường đi, có đám thuê người khóc khiến hàng xóm mất ngủ... Tuy không phổ biến, nhưng đó là những “hạt sạn”  trong thực hiện nếp sống văn hóa của người thành phố”. Đó là những trăn trở của đồng chí Bùi Dương Nghĩa, Trưởng Phòng Văn hóa thông tin TP Hải Dương khi chúng tôi đề cập đến việc thực hiện Nghị quyết (NQ) Trung ương 9 (khóa XI). Theo đồng chí Nghĩa, sau 15 năm thực hiện NQ  Trung ương (khóa VIII), TP Hải Dương đã đạt nhiều kết quả tích cực về văn hóa, song cũng còn không ít hạn chế cần khắc phục. Trong đó, đáng quan tâm nhất là hệ thống thiết chế văn hóa của thành phố còn thiếu rất nhiều. Tuy là trung tâm kinh tế-văn hóa-chính trị của tỉnh, nhưng TP Hải Dương hiện vẫn chưa có nhà truyền thống, tượng đài, rạp chiếu phim, nhà văn hóa trung tâm... xứng tầm. Ngoài ra, những hạn chế trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang cũng là vấn đề cần tiếp tục khắc phục.

Tại huyện Thanh Hà, khi thảo luận xây dựng kế hoạch hành động thực hiện NQ Trung ương 9 của huyện, nhiều đại biểu cho rằng thực tế đời sống văn hóa của huyện cũng còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Việc nhiều thôn, khu dân cư chưa có nhà văn hóa, thiếu sân vận động, nhiều phong tục tốt đẹp đang dần mai một, tệ ăn uống linh đình tái diễn... là những ví dụ. Sau hiện tượng Lệ Rơi, một chàng trai người địa phương vốn hát không hay, cũng chẳng có gì nổi bật bỗng “nổi tiếng” trên mạng, có ý kiến cho rằng đã đến lúc cần tăng cường công tác quản lý thông tin, có biện pháp định hướng công chúng tới những giá trị thẩm mỹ thực sự.

Trong lĩnh vực văn hóa, mỗi địa phương, đơn vị tùy đặc điểm của mình đều tồn tại những hạn chế, yếu kém. Trên bình diện chung toàn tỉnh, đó là việc chưa đẩy lùi được tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sự gắn kết giữa văn hóa với kinh tế; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội còn hạn chế. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa còn có mặt yếu kém và chưa đồng bộ. Hệ thống thiết chế phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở còn nhiều khó khăn, bất cập. Trong sáng tác văn học, nghệ thuật, còn ít tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật tương xứng với truyền thống văn hóa, lịch sử của tỉnh, có sức sống lâu bền trong lòng công chúng...

Giải pháp đồng bộ, cụ thể


Những vấn đề trên cho thấy, việc thực hiện NQ TƯ 9 (khóa XI) là hết sức quan trọng. Vì thế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là cơ quan đầu mối, phối hợp với các ngành liên quan để xây dựng chương trình hành động (CTHĐ) thực hiện NQ, bảo đảm sát với thực tế của tỉnh. Dự thảo CTHĐ được đưa ra thảo luận lần đầu tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp của cơ quan chủ trì dự thảo, được thảo luận tại hội nghị cán bộ chủ chốt học tập NQ Trung ương 9, lấy ý kiến của các cấp ủy, các ngành liên quan và của các địa phương... trước khi ban hành chính thức. Quy trình này cũng được thực hiện ở cấp huyện. Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng đưa ra ngay được chương trình hoặc kế hoạch hành động mang nét đặc trưng riêng của địa phương mình. Đồng chí Hoàng Xuân Mão, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thanh Hà cho biết, khi Huyện ủy thảo luận kế hoạch hành động của huyện đã có khoảng 37 lượt ý kiến phát biểu, góp ý cho dự thảo mà huyện đưa ra. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng việc đánh giá kết quả thực hiện NQ Trung ương 5 của huyện chưa sâu, chưa sát, chưa cụ thể. Cũng vì chưa có những đánh giá cụ thể dựa trên đặc điểm của huyện nên các giải pháp được đưa ra cũng vẫn chung chung, chưa có giải pháp mang tính đột phá. Vì thế, ngay sau khi học tập NQ, Ban Thường vụ Huyện ủy đã yêu cầu các cơ quan liên quan tổng hợp ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện kế hoạch, bảo đảm việc triển khai NQ mang lại hiệu quả thiết thực.

Theo kế hoạch, việc quán triệt, triển khai học tập NQ Trung ương 9 ở cấp huyện sẽ được thực hiện trong tháng 8. Để NQ nhanh chóng đi vào cuộc sống, việc triển khai, quán triệt học tập NQ cần được thực hiện nghiêm túc. Ngoài việc cung cấp đầy đủ tài liệu, chọn báo cáo viên có kinh nghiệm truyền đạt NQ, các địa phương, đơn vị cần nâng cao chất lượng tổ chức học tập, khắc phục tình trạng người đi học lúc đầu thì đông, sau thì vắng, người học nhận thức không đầy đủ tinh thần của NQ. Trong xây dựng chương trình hoặc kế hoạch hành động, cần căn cứ tình hình thực tế địa phương để đưa ra các giải pháp cụ thể, tránh việc coi trọng thực hiện các tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa mà coi nhẹ các hoạt động khác. Mỗi lĩnh vực liên quan đến văn hóa đều cần có giải pháp riêng phù hợp. Trong quá trình thực hiện, cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, rút kinh nghiệm, huy động toàn dân cùng tham gia xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

THANH MAI


(0) Bình luận
Cần những cách làm sáng tạo