Hai nhiệm kỳ gần đây, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp không những không tăng mà còn có xu hướng giảm đi ở cấp tỉnh, huyện.
Tỉ lệ nữ giới là đại biểu HĐND cấp tỉnh và huyện chưa đạt so với mục tiêu đề ra
Vì vậy, để tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đạt trên 35% theo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 cần nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ hơn nữa.
Không tăng mà còn giảmTheo báo cáo đề dẫn tại Hội thảo giải pháp nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 do Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với Tổ chức Nhân dân Úc vì y tế, giáo dục và phát triển hải ngoại (APHEDA) được tổ chức vào cuối tháng 1 vừa qua, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các cấp ủy đảng nhiệm kỳ 2010-2015 cấp tỉnh là 16,36%, cấp huyện là 14,25%, cấp xã là 13,9%. Tỷ lệ này tương ứng ở nhiệm kỳ 2015-2020 là 14,55%, 13,08% và 15,61%. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của tỉnh khóa XII là 33,33% nhưng đến khóa XIII chỉ chiếm 22,22%. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 cấp tỉnh là 20,31%, cấp huyện là 23,43% và cấp xã là 22,84% đều ở mức thấp hơn nhiệm kỳ trước và chưa đạt tỷ lệ theo mục tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đề ra.
Tại hội thảo này, tham luận của đại diện các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương đã góp phần làm rõ thêm những nguyên nhân khiến tỷ lệ cán bộ nữ nói chung và nữ đại biểu HĐND các cấp chưa đạt theo yêu cầu. Theo bà Vũ Thị Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh, nguyên nhân trước hết là do nhận thức của cấp ủy và lãnh đạo (nhất là người đứng đầu) một số ngành chưa quan tâm đúng mức về công tác phụ nữ nói chung, công tác cán bộ nữ nói riêng. Bà Thủy nhấn mạnh: “Do chưa có cơ chế trong công tác tham mưu của Hội LHPN với cấp ủy về công tác cán bộ nữ, chưa có cơ chế phản biện và phối hợp giữa Hội LHPN với cơ quan tham mưu của Đảng, chính quyền trong công tác cán bộ nữ nên hoạt động của hội còn cầm chừng, thậm chí có lúc bị coi là cầm đèn chạy trước ô tô".
Đồng tình với nguyên nhân mà Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nêu, đại diện Thường trực HĐND thị xã Chí Linh cũng cho rằng hạn chế về nhận thức của một số cấp ủy và người đứng đầu về công tác cán bộ nữ đã dẫn đến tình trạng một số nơi chưa có chiến lược quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ. Cho nên khi cần phải có cơ cấu cán bộ nữ mới “đốt đuốc” đi tìm. Do đó, xuất hiện tình trạng người trẻ thì chưa qua đào tạo, chưa đủ tiêu chuẩn, không trong cơ cấu; người đã qua đào tạo, đủ điều kiện, tiêu biểu thì không còn trong độ tuổi. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân khác là chất lượng hoạt động của đại biểu nữ chưa đồng đều; một số ít đại biểu trình độ năng lực còn hạn chế, chưa thật sự tích cực tham gia các hoạt động của HĐND khiến cử tri, nhân dân thiếu tin tưởng vào họ.
Ngoài ra, những bất cập trong các quy định về độ tuổi đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đề bạt đang làm hạn chế cơ hội đối với cán bộ nữ. Bản thân một bộ phận không nhỏ cán bộ nữ còn có tư tưởng an phận, chưa mạnh dạn, tích cực lao động, công tác, dẫn đến tự đánh mất cơ hội và sự ủng hộ của đồng nghiệp, cử tri.
Cản trở lớn nhất đối với cán bộ nữ là việc phải làm thế nào để vừa làm tròn trách nhiệm, bổn phận, thiên chức với gia đình, vừa hoàn thành tốt công việc được giao. Quy định về quy hoạch đối với cán bộ nữ ở độ tuổi 25-40 cũng là quãng thời gian phụ nữ phải lo toan, đảm nhiệm vai trò làm vợ, làm mẹ vất vả nhất nên khó có thể cân đối thời gian cho công việc.
Từng bước giảm dần khoảng cách giớiTại hội thảo nêu trên, các tham luận cũng đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nữ nói chung và nữ đại biểu HĐND các cấp trong tình hình hiện nay. Trong đó, đại diện Sở Nội vụ kiến nghị cần quy định trách nhiệm cụ thể đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện công tác cán bộ nữ; có chính sách khen thưởng, phê bình rõ ràng; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của cấp ủy, chính quyền các cấp. Phải coi việc tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ là nhiệm vụ chiến lược trong công tác cán bộ của Đảng. Ngoài ra, cần sớm xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực nữ. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, quy định trong đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức phù hợp với các quy định của Luật Bình đẳng giới. Trong việc hướng dẫn công tác chuẩn bị nhân sự bầu cử vào Quốc hội và HĐND các cấp cần quy định cụ thể tỷ lệ ứng cử viên nữ tại các vòng hiệp thương để bảo đảm số lượng nữ đại biểu trúng cử. Ngành nội vụ cũng kiến nghị cần phát triển các hoạt động dịch vụ gia đình có chất lượng nhằm hỗ trợ cán bộ nữ được bình đẳng hơn về cơ hội tham gia công tác.
Phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước và mỗi địa phương
Trong số các đề xuất của Hội LHPN tỉnh, đáng chú ý là kiến nghị trong quá trình chuẩn bị nhân sự cho công tác bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, cần có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chuẩn bị nhân sự nữ. Nếu ở nơi nào không đạt tỷ lệ theo quy định, nơi nào đạt tỷ lệ nhưng có nhiều yếu tố bất lợi cho phụ nữ thì cần yêu cầu làm lại. Đặc biệt, trong việc chuẩn bị nhân sự đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, Hội LHPN tỉnh đề nghị không để tình trạng ứng cử viên nữ kết hợp quá nhiều cơ cấu (trẻ, là người ngoài Đảng, người dân tộc, tôn giáo…) làm giảm chất lượng nhân sự nữ. Mặt khác, cần thu hẹp khoảng cách về giới trong giới thiệu người ứng cử, bảo đảm tỷ lệ nữ ứng cử đạt từ 35% trở lên…; cần chú ý đến số lượng đại diện nữ trong các tổ chức phụ trách bầu cử để tăng ảnh hưởng của họ trong những quyết định về chỉ đạo bầu cử bảo đảm bình đẳng giới và công bằng. Trong công tác bầu cử, cần quy định cụ thể việc bố trí, sắp xếp danh sách bầu cử tại mỗi đơn vị bầu cử nhằm khắc phục tình trạng bố trí nhiều ứng cử viên nữ trong cùng một danh sách; sắp xếp các ứng cử viên nữ cùng danh sách nhưng quá chênh lệch về trình độ học vấn, chức vụ…
Mang theo tâm tư, kinh nghiệm của bản thân và tiếng nói từ cơ sở, đại biểu Lê Yến Ngà, Phó Chủ tịch HĐND huyện Tứ Kỳ cho rằng cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về quy trình ngay từ khi hiệp thương giới thiệu người ứng cử phải có tỷ lệ nữ hợp lý; tích cực tập huấn kỹ năng cho nữ ứng cử viên tham gia ứng cử để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thiết thực, phù hợp với thực tiễn, tránh sa vào lý thuyết. Nhiều đại biểu cũng kiến nghị, Đảng, Nhà nước cần có chính sách, chế độ đãi ngộ, ưu tiên như tăng hệ số lương, phụ cấp, khen thưởng… đối với cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý; có chính sách khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nhận thức, tham gia công tác xã hội.
PV
Sửa những chính sách không phù hợp với công tác cán bộ nữ
Hiện nay, một số quy định không phù hợp đang gây khó khăn cho phần lớn chị em tham gia công tác xã hội. Ví dụ, quy định về quy hoạch đối với nữ giới là ở độ tuổi từ 25-40 chưa thực sự phù hợp vì đa số phụ nữ chỉ thực sự có độ "chín" về kinh nghiệm, trình độ khi bước vào độ tuổi từ 45-50, đặc biệt ở một số ngành, nghề đặc thù đòi hỏi thời gian học tập, nghiên cứu chuyên sâu. Quy định về độ tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 55 tuổi cũng làm cho nhiều chị em không toàn tâm cống hiến vì sẽ phải nghỉ hưu sớm và thấp hơn nam giới cùng công tác tới 2 bậc lương. Trong khi thời gian học tập, phấn đấu của chị em cũng như nam giới; khi nghỉ hưu cũng có các nhu cầu tiêu dùng tương đương, thậm chí cao hơn nam giới nhưng chỉ được nhận mức lương thấp hơn nam giới. Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung các quy định không hợp lý, đồng thời có chính sách về lương, hệ số phụ cấp tương đương giữa 2 giới để tạo động lực cho chị em cống hiến. VŨ THỊ PHƯƠNG(Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy)
Bản thân nữ giới cần không ngừng vươn lên
Lịch sử dựng nước và giữ nước đã lưu danh nhiều tấm gương phụ nữ tài danh qua nhiều thời kỳ, lĩnh vực. Điều đó đã chứng tỏ phụ nữ có đủ khả năng để sánh ngang nam giới trong mọi hoạt động xã hội. Thực tế đã có nhiều cán bộ nữ với quyết tâm cao, ý chí phấn đấu mạnh mẽ vươn lên và trở thành những đại biểu dân cử mẫu mực, được cử tri, nhân dân tin yêu. Vì vậy, để trở thành nữ đại biểu dân cử, chính bản thân mỗi phụ nữ cần có khát vọng, quyết tâm nâng cao trình độ, năng lực, khẳng định bản thân, xây dựng hình ảnh thân thiện với nhân dân, cử tri. Bên cạnh những chủ trương, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, mỗi nữ ứng cử viên cần không ngừng vươn lên đáp ứng các yêu cầu theo quy định về công tác tổ chức để hoàn thành tốt vai trò, vị trí được cử tri tin tưởng giao phó. HOÀNG QUỐC THƯỞNG(Bí thư Tỉnh đoàn)
Phụ nữ có thể nắm bắt tốt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân
Sự đóng góp của phụ nữ từ trong gia đình ra ngoài xã hội là sự đóng góp âm thầm nhưng lớn lao. Vì vậy, tham gia trong các cơ quan dân cử, là người đại biểu của dân, phụ nữ có cơ hội nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân rất tốt. Người phụ nữ có vai trò quan trọng trong gia đình, do đó, họ là người đầu tiên thấu hiểu những vấn đề trong cuộc sống thực tiễn mà người dân quan tâm. Trong khi nam giới quan tâm nhiều đến những vấn đề vĩ mô của đất nước, thế giới, chính trị thì phụ nữ với bản tính tỉ mỉ, sâu sát sẽ quan tâm và giải quyết những vấn đề nhỏ hằng ngày nhưng lại có ảnh hưởng rất quan trọng đến toàn xã hội. Vì vậy, cần có sự cân bằng giữa hai giới trong việc tham gia các hoạt động chung trong xã hội. Thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ và chất lượng nữ đại biểu trong các cơ quan dân cử là việc cấp thiết và cần thực hiện ngay chứ không chỉ trên khẩu hiệu và trên giấy. NGUYỄN THỊ VIỆT NGA(Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh)
|