Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh được cấp phép khai thác khoáng sản nằm sâu dưới đất (khai thác âm).
Một số loại khoáng sản chính đã được khai thác âm như đất sét trắng, cao lanh, than đá ở thị xã Chí Linh, đá vôi ở huyện Kinh Môn. Việc khai thác khoáng sản âm nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế là cần thiết song việc này cũng tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Trước đây, việc khai thác than trái phép ở xã Văn Đức, An Lạc (Chí Linh) đã khiến môi trường nước, đất ở khu vực đó bị ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng kéo dài. Hiện nay, nhiều người dân sống ở khu 5, thị trấn Phú Thứ (Kinh Môn) đang lo lắng vì một số khu vực đất trong khu dân cư bị sụt lún, gây nứt nhà cửa, thậm chí có nhà đã bị sập. Nhiều người cho rằng nguyên nhân chính gây ra tình trạng này do hoạt động nổ mìn, khai thác đá xuống âm tới hàng chục mét của Xí nghiệp Vạn Chánh ở gần khu dân cư. Những ảnh hưởng tới môi trường có thể xảy ra khi khai thác khoáng sản âm là gây lún sụt đất, đá xung quanh, gây ô nhiễm môi trường nước, làm mất mạch nước ngầm, phát sinh bụi gây ô nhiễm không khí...
Vì vậy, trước khi cấp phép khai thác khoáng sản âm, cơ quan chức năng cần yêu cầu doanh nghiệp đánh giá kỹ lưỡng tác động tới môi trường. Nếu hoạt động khai thác khoáng sản âm ảnh hưởng nhiều đến môi trường xung quanh thì không nên cho khai thác. Đối với những khu vực đã được phép khai thác âm, doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm quy định về bảo vệ môi trường.
TUẤN NGUYÊN(Chí Linh)