Cán mốc hơn 1.000 ca COVID-19: Lơ là một chút dễ ''mất trận địa''

21/08/2020 08:50

Giai đoạn 2 của dịch ở Việt Nam số ca mắc bệnh gia tăng nhanh chóng, dẫn đến tổng số ca mắc trên cả nước đã vượt 1.000 ca. Vì vậy, Bộ Y tế cảnh báo các địa phương phải nâng mức độ cảnh giác cao nhất.


Người dân đến lấy mẫu được bố trí ngồi chờ theo khu vực quy định

Tính đến nay, dịch COVID-19 xuất hiện ở 215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.

Theo thống kê của worldometers.info, trên thế giới đã ghi nhận 22.710.725 người mắc COVID-19, trong đó đã có 793.557 trường hợp tử vong, 15.399.130 người bình phục.

Tại Việt Nam đã ghi nhận 994 người mắc, 533 người điều trị khỏi, 25 người tử vong. Giai đoạn 2 của dịch ở Việt Nam số trường hợp mắc bệnh gia tăng lên nhanh chóng, dẫn đến tổng số ca mắc trên cả nước đã vượt qua 1.000 ca. Vì vậy, Bộ Y tế đưa ra cảnh báo các địa phương phải nâng mức độ cảnh giác cao nhất trong phòng chống dịch COVID-19.

Tình hình dịch sẽ tiếp tục kéo dài

Từ 25.7 đến hết ngày 20.8, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 15 tỉnh, thành phố (các trường hợp mới được phát hiện này chủ yếu đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch tại Đà Nẵng. Các địa phương có ca bệnh gồm: Đà Nẵng (367), Quảng Nam (96), Đắk Lắk (3), TP Hồ Chí Minh (8), Quảng Ngãi (5), Hà Nội (12), Thái Bình (1), Đồng Nai (2), Hà Nam (1), Bắc Giang (6) và Lạng Sơn (4), Thanh Hóa (1), Quảng Trị (7), Hải Dương (12), Khánh Hòa (1).

Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 1.007 ca mắc, trong đó, có 666 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25.7 đến nay là 525 ca. Có thể thấy, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25.7 đến nay hơn 500 ca, bằng cả 7 tháng giai đoạn 1 của dịch COVID-19.

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, phân tích chỉ trong 1 tháng số bệnh nhân mắc tăng cao nhanh chóng. Giai đoạn đầu có 2 cán bộ y tế mắc COVID-19, không có bệnh nhân tử vong thì hiện nay đã có khoảng 30 cán bộ y tế mắc, 25 ca tử vong.

Bài học lớn đối với hệ thống khám chữa bệnh là ở giai đoạn đầu thì Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hồng Ngọc bị đóng cửa, còn ngay khi bước vào giai đoạn 2 của dịch, 4 bệnh viện của Đà Nẵng đã bị đóng cửa.

Ông Khuê cho rằng bên cạnh kiểm soát dịch bệnh thì kiểm soát lây nhiễm chéo trong bệnh viện là một nhiệm vụ và trách nhiệm rất lớn hiện nay, nhiều bệnh viện đã làm tốt kiểm soát nhiễm khuẩn, nhưng chỉ lơ là một chút là “mất trận địa” và “thủng lưới”.

Giáo sư Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Y tế cho biết ổ dịch Đà Nẵng, Quảng Nam đang được kiểm soát. Số ca mắc giảm dần trong những ngày gần đây. Các địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số tỉnh miền Trung cũng đang tăng cường truy vết, xét nghiệm, xác định các yếu tố nguy cơ để triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh kịp thời.

Thời gian qua, mặc dù đội ngũ cán bộ y tế tại các cơ sở điều trị ở khu vực Đà Nẵng, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 đã nỗ lực hết sức cùng với sự góp sức của các lực lượng chuyên gia tinh nhuệ của Bộ Y tế, tuy nhiên vẫn có 25 trường hợp mắc COVID-19 tử vong. Đa phần các bệnh nhân tử vong đều có bệnh lý nền nặng. Có trường hợp ung thư máu, có trường hợp chạy thận nhân tạo đã nhiều năm, có trường hợp bị bệnh tim mạch mạn tính…

Về tình hình dịch tại tỉnh Hải Dương, quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin ngay từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, tỉnh Hải Dương đã quyết liệt triển khai các biện pháp ứng phó. Bộ Y tế đã cử các đoàn xuống hỗ trợ, phối hợp cùng địa phương khẩn trương truy vết thật nhanh, xét nghiệm thật nhanh để khoanh vùng dập dịch…

Bộ Y tế nhận định tình hình dịch sẽ tiếp tục kéo dài và xuất hiện các chùm ca bệnh và ca bệnh tại cộng đồng, do đó các địa phương phải nâng mức cảnh giác ở mức cao nhất để phát hiện sớm và kịp thời cách ly, khoanh vùng, dập dịch để tránh dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.


Nhân viên y tế quận Sơn Trà lấy mẫu xét nghiệm cho người dân

Quyền Bộ trưởng Y tế chỉ rõ: “Khi xảy ra dịch ở các địa phương khác cũng sẽ nguy hiểm không kém phần Đà Nẵng. Đà Nẵng là một ví dụ về vấn đề con người, cơ sở cấp cứu, dù chúng ta đã nỗ lực nhưng không thể ứng cứu mà phải huy động tổng lực từ trung ương đến hỗ trợ. Vậy nếu dịch xảy ra tại một tình miền núi thì sẽ càng khó khăn hơn. Chúng ta phải xác định từ nay trở đi sẽ không có lúc nào bình yên mà sẵn sàng có dịch”.

Siết chặt "hệ thống phòng thủ"

Các chuyên gia và thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 nhận định diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn đang tiếp tục tăng nhanh, chưa có dấu hiệu chững lại. Đặc biệt, làn sóng dịch bệnh thứ 2 đang bùng phát mạnh ở những nước mở cửa trở lại sau một thời gian thực hiện cách ly xã hội. Việc một số nước tuyên bố sản xuất thành công vaccine là tín hiệu tích cực ban đầu nhưng chưa thể giúp thế giới đẩy lùi ngay được đại dịch trong một sớm một chiều.

Về tình hình dịch bệnh trong nước, các thành viên Ban Chỉ đạo khẳng định các biện pháp ứng phó với ổ dịch ở Đà Nẵng đã phát huy hiệu quả.

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ rõ: “Tới đây vẫn sẽ tiếp tục có mầm bệnh lây lan trong cộng đồng, đó là điều chúng ta cần để ý, trong đó việc làm thế nào để kiểm soát COVID-19 tại các cơ sở y tế luôn được ngành y tế quán triệt chỉ đạo thực hiện”.

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, lần này dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, do đó phải nâng cao cảnh giác, có thể xuất hiện chùm ca bệnh, ca bệnh tại cộng đồng vì tốc độ lây lan của dịch lần này khá nhiều. Từng gia đình có thể trở thành ổ dịch, lần trước chỉ có khoảng 40 ổ dịch, lần này đã lan ra khoảng 150 ổ dịch.

Theo ông Long, Việt Nam có nhiều bài học trong phòng chống dịch COVID-19, trong đó trước hết là sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, sự tham gia của các bộ, ban, ngành, đoàn thể và chung tay của cộng đồng. Tiếp đó là bài học truy tìm, cách ly thật nhanh để đưa mầm bệnh ra khỏi cư dân, cộng đồng để cách ly thật nhanh mầm bệnh.

Liên quan đến vấn đề vắcxin ngừa COVID-19, giáo sư Nguyễn Thanh Long cho hay Việt Nam đang tìm mọi phương pháp, dưới mọi góc độ để tiếp cận vắcxin, nhưng sớm nhất cũng phải 6 tháng cuối năm 2021 mới có vaccine. Từ nay đến lúc đó mỗi người đều phải sẵn sàng “chiến đấu” với dịch.

Về giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng, các chuyên gia quan ngại khi các địa phương, cơ quan đang triển khai các biện pháp còn khác nhau. Vì vậy, cần phải có chỉ lệnh mới, để triển khai các biện pháp thống nhất, nghiêm ngặt, siết chặt "hệ thống phòng thủ", không để dịch bệnh xâm nhập vào cơ quan công quyền, cơ sở sản xuất kinh doanh, trường học, các tuyến giao thông công cộng…


Công dân trở về từ Guinea Xích đạo được về nhà sau khi hoàn thành cách ly y tế

Nâng cao cảnh giác: Chung sống an toàn với dịch bệnh

Nhận định dịch bệnh còn kéo dài, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thống nhất quan điểm về việc phải tiếp tục nâng cao cảnh giác trong thời gian dài cùng những biện pháp để chung sống an toàn với dịch bệnh. Tất cả các cơ quan phải có văn bản hướng dẫn, quán triệt lại và tổ chức kiểm tra việc thực hiện.

Các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, nhất là các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài… vào Việt Nam làm việc; tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc để bảo đảm trang thiết bị, máy móc, sinh phẩm, vật tư y tế, nâng cao năng lực xét nghiệm, truy vết... đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thẳng thắn: “Thời gian qua do thực tế chúng ta kiểm soát được dịch bệnh tốt dài ngày cho nên có tâm lý lơi lỏng. Bây giờ là lúc phải nhìn vào thực tế dịch bệnh còn kéo dài, ít nhất 1 năm nữa vắcxin mới có thể đến với mọi người. Chúng ta phải tăng cường các giải pháp để thực sự chung sống an toàn trong dịch bệnh”.

Các thành viên Ban Chỉ đạo nêu rõ tính quyết định của thành công trong phòng, chống dịch bệnh là sự vào cuộc đồng lòng của mọi người dân. Nhiều trường hợp tuân thủ đầy đủ các quy định khai báo, cách ly sau khi đi về từ vùng dịch. Các cơ quan chức năng cũng xử lý nghiêm nhiều trường hợp về từ vùng dịch nhưng không khai báo, không thực hiện cách ly. Một số địa phương đã chủ động có các biện pháp chỉ đạo mới, cần thiết trong phòng, chống dịch.

Vì vậy, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch như hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, rửa tay thường xuyên... Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, các địa phương cần đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh.


Người dân chờ lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR tại quận Hai Bà Trưng

Theo Vietnam+

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cán mốc hơn 1.000 ca COVID-19: Lơ là một chút dễ ''mất trận địa''