Cần luật hóa trách nhiệm việc dự báo thời tiết sai

06/11/2015 08:40

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị dự thảo luật cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân dự báo, cảnh báo thời tiết không chính xác, gây hậu quả nghiêm trọng.




Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn
phải được xác định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện


Sáng 5-11, thảo luận về dự thảo Luật Khí tượng thủy văn trong phiên họp toàn thể hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội (QH) đề nghị dự thảo luật cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân dự báo, cảnh báo thời tiết không chính xác, gây hậu quả nghiêm trọng.

Các đại biểu cũng đề nghị quy định rõ hơn về hệ thống quốc gia dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung quy định rõ nguyên tắc hoạt động khí tượng thủy văn. Theo đó, quan trắc khí tượng thủy văn phải bảo đảm chính xác, liên tục, thống nhất; dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải bảo đảm đủ độ tin cậy; thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải được truyền, phát kịp thời, chính xác, đầy đủ và thể hiện như tại điều 4 dự thảo luật.

Dự thảo Luật quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải chịu trách nhiệm về bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn do mình ban hành tại khoản 2 điều 21; quy định về tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải bảo đảm đủ độ tin cậy, được cập nhật thường xuyên, kịp thời theo diễn biến của hiện tượng khí tượng thủy văn tại khoản 3 điều 21...

Về hệ thống khí tượng thủy văn, theo đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu), mạng lưới trạm khí tượng thủy văn đã có lịch sử trên 100 năm xây dựng và phát triển đều phân bố rộng khắp trên lãnh thổ Việt Nam, đất liền cũng như ở hải đảo.

Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn đã có nhiều đóng góp cho sự xây dựng phát triển kinh tế-xã hội, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng cho rằng, dự thảo luật quy định các nội dung về quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia; kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng của bộ, ngành địa phương, hành lang kỹ thuật và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn cũng như quy định về yêu cầu quan cách khí tượng thủy văn phải tuân theo tính chính xác, liên tục, thống nhất, đồng bộ theo tiêu chuẩn quy trình kỹ thuật chuyên môn là hoàn toàn cần thiết.

Tuy nhiên, trong xu hướng tự động hóa trong hoạt động quan trắc khí tượng thủy văn ngày càng phát triển, đại biểu nhấn mạnh càng phải nghiên cứu, phân hạng cho phù hợp với thực tế và bảo đảm tính khả thi đồng thời ưu tiên đầu tư phát triển nguồn lực, tăng kinh phí đầu tư phát triển mạng lưới thủy văn theo hướng hiện đại và đồng bộ, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa ngành khí tượng thủy văn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quan trắc ngành khí tượng thủy văn...

Về việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân hoạt động cung cấp dịch vụ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) nêu rõ, hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, đặc biệt là cảnh báo, dự báo thiên tai là một ngành, nghề đặc thù, đòi hỏi phải có trình độ khoa học và công nghệ chuyên ngành cũng như kinh nghiệm thực tiễn; sự chuẩn xác của thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn có tác động lớn đến đời sống kinh tế- xã hội của đất nước, ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng và sức khỏe của người dân. Vì vậy, đại biểu nhấn mạnh hoạt động “dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn” phải được xác định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và cần được bổ sung trong danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tại phụ lục 4 của Luật Đầu tư năm 2014.

Để sớm đưa luật vào thực tiễn, đại biểu Đỗ Văn Vẻ nhất trí với việc quy định ngay trong Luật Khí tượng thủy văn điều 54 bổ sung vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, phụ lục của Luật Đầu tư về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

Về mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, đại biểu Huỳnh Văn Tấn (Tiền Giang) đề nghị bổ sung cụm từ “theo quy định của pháp luật” vào cuối quy định của khoản 3 điều 10 này để quy định của điều luật được chặt chẽ, tránh sự tùy tiện của tổ chức, cá nhân trong xây dựng, quản lý và khai thác các trạm khí tượng thủy văn theo mục đích riêng. Như vậy khoản 3 điều 10 sẽ là: “Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn theo mục đích riêng do bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân xây dựng, quản lý và khai thác theo quy định của pháp luật”.

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến của đại biểu QH, Ban soạn thảo sẽ hoàn thiện dự án luật trình QH biểu quyết thông qua tại kỳ họp này.

Buổi chiều, QH thảo luận ở tổ về dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) và việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

TTXVN

ĐẠI BIỂU LÊ ĐÌNH KHANH (HẢI DƯƠNG):
Đầu tư nghiên cứu khoa học đối với khí tượng, thủy văn


Để góp phần hoàn thiện Dự án Luật Khí tượng thủy văn, tôi tham gia vào hai ý nhỏ tại chương VII, chương VIII.

Thứ nhất, một số điều chương VII tác động về thời tiết. Như chúng ta đã biết khí hậu thời tiết là hiện tượng tự nhiên, từ thời nguyên thủy đến nay con người từ chỗ phụ thuộc tuân theo, chế ngự và tiến tới tác động làm thay đổi để có lợi cho chúng ta. Trên thế giới người ta tiến tới sử dụng vũ khí, khí tượng tác động làm chuyển hướng một cơn bão. Nhưng trong luật của chúng ta mới chỉ đề cập đến tác động làm thay đổi mưa, sương mù, tôi nghĩ chưa đủ, luật đưa vào nguyên tắc trình tự, thủ tục thực hiện qua rất nhiều tầng lớp, rồi xin ý kiến của nhân dân, tôi thấy rất khó thực hiện trong thực tế.

Chẳng hạn như nhằm phục vụ quốc phòng, chúng ta cũng khó làm được điều này để xử lý mưa. Ví dụ như phục vụ cho sự kiện lớn chúng ta có thể làm thay đổi mưa trước hoặc xua cơn mưa đi, bây giờ xin ý kiến nhân dân, các bộ, ngành phải có kế hoạch, lộ trình liệu có thực hiện được không. Nếu qua đi thì tất cả khâu chuẩn bị gây lãng phí, tốn kém. Tôi đề nghị cân nhắc thêm vấn đề này, chúng ta chưa tính đến nhiệm vụ cho quốc phòng, an ninh trong những điều quy định ở đây. Không phải chỉ có mưa, có sương mù mà là những vấn đề lớn hơn trong an ninh, quốc phòng.

Chương VIII, quản lý nhà nước về thủy văn, tôi thấy cần bổ sung thêm một nội dung về đầu tư, nghiên cứu khoa học trong khí tượng thủy văn. Nội dung này hết sức quan trọng, trong Luật Khoa học, công nghệ chưa có quy định trên. Để phục vụ cho con người, đầu tư vào lĩnh vực này bảo đảm dự báo chính xác hơn. Cần có quy định cụ thể về đầu tư nghiên cứu khoa học đối với khí tượng, thủy văn.


Ngày 6-11, các đại biểu QH làm việc tại hội trường để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).

(0) Bình luận
Cần luật hóa trách nhiệm việc dự báo thời tiết sai