Năm học 2023 - 2024, cả nước có 27 trường đại học đào tạo khối chuyên ngành sức khỏe, trong đó có 4 trường dùng tổ hợp có môn Ngữ văn để xét tuyển ngành y, dược.
Giờ thực hành của sinh viên y khoa. Ảnh tư liệu
Các trường đó là: Trường Đại học Văn Lang xét tuyển ngành y bằng 3 tổ hợp truyền thống A00, B00, D08 và 1 tổ hợp mới D12 (Ngữ văn, Hóa học và Anh ngữ); Trường Đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang) và Trường Đại học Tân Tạo (Long An) sử dụng tổ hợp B03 (Toán học, Ngữ văn, Sinh học); Trường Đại học Duy Tân sử dụng 4 tổ hợp: A16 (Toán, Khoa học tự nhiên, Ngữ văn), B00, D90 và D08.
Chia sẻ về việc một số trường xét tuyển ngành y bằng môn Văn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho hay, về tuyển sinh đại học, điểm b Khoản 2 Điều 34 Luật Giáo dục đại học sửa đổi đã quy định: “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”.
Cụ thể, tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 6.6.2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, Khoản 1, Điều 3 quy định “Cơ sở đào tạo thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình về công tác tuyển sinh, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Điều 6 của Thông tư này có quy định tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, không sử dụng quá 4 tổ hợp xét tuyển cho một ngành, một chương trình đào tạo; việc thay đổi, bổ sung phương thức hoặc tổ hợp xét tuyển phải có căn cứ và lộ trình hợp lý.
Khoản 5, Điều 6 Thông tư quy định: “Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh; trong đó có dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hàng năm”.
Lĩnh vực sức khỏe hiện có 17 mã ngành đào tạo đại học, 66 trường có đào tạo trình độ đại học lĩnh vực sức khỏe, với tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 là 37.512 sinh viên. Lĩnh vực sức khỏe cơ bản là khoa học tự nhiên, cần tư duy logic, khả năng phân tích nhanh, đánh giá chính xác.
"Hầu hết các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe trong những năm qua sử dụng tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) và A00 (Toán, Hóa, Lý), ngoài ra còn có A02 (Toán, Lý, Sinh); D07 (Toán, Hóa, Anh), D08 (Toán, Sinh, Anh)... Toán, Hóa, Sinh, Lý là những môn học rất quan trọng và cần thiết đối với lĩnh vực sức khỏe", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long cho biết.
Theo Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, với chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo là đầu mối quản lý về giáo dục đại học, trong đó có cả giáo dục đại học cho lĩnh vực sức khỏe. Bộ Y tế không quản lý đầu vào, quá trình đào tạo và đầu ra của bậc đào tạo đại học.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long phân tích, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi năm năm 2023 quy định việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trước khi đề nghị cấp giấy phép hành nghề áp dụng đối với các chức danh bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng, do Hội đồng Y khoa quốc gia chủ thực hiện.
Dự kiến hình thức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề bằng thi trắc nghiệm trên máy tính thông qua bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Hội đồng Y khoa Quốc gia ban hành.
"Việc đưa môn Văn vào xét tuyển đào tạo đại học lĩnh vực sức khỏe thuộc quyền hạn của các cơ sở đào tạo, tuy nhiên nếu đưa môn Văn vào thi sẽ bỏ môn khác đi (Toán, Lý, Hoá, Sinh), vậy có cơ sở khoa học nào cho rằng Văn sẽ quan trọng hơn môn phải bỏ ra không? Các cơ sở đào tạo cần có căn cứ khoa học và thực tiễn", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long đặt câu hỏi.
Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị các cơ sở đào tạo cần có phân tích, giải trình rõ ràng, thuyết phục về căn cứ khoa học, thực tiễn về sự cần thiết, lý do phải đưa môn Văn vào xét tuyển đào tạo đại học lĩnh vực sức khỏe, trong đó có dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hàng năm theo đúng yêu cầu của Thông tư 08/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bên cạnh đó, việc xem xét cơ sở khoa học và thực tiễn của việc đưa môn Văn vào xét tuyển phải được phân tích cho từng mã ngành cụ thể của lĩnh vực sức khỏe.
Các cơ sở đào tạo cần cân nhắc đến quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh về kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trước khi đề nghị cấp giấy phép hành nghề áp dụng đối với một số chức danh, đặc biệt là về nội dung và hình thức kiểm tra (trắc nghiệm) để xem xét việc đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển.
Cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và trước thực tiễn về việc chọn môn Văn vào tổ hợp xét tuyển.
Theo TTXVN