Trong phiên thảo luận tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, việc chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh năm 2017 tụt 13 bậc được các đại biểu quan tâm phân tích, mổ xẻ nguyên nhân.
Đồng chí Nguyễn Thị Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy phát biểu tại hội trường. Ảnh: Thành Chung
Giải quyết chậm, cán bộ vẫn xuất sắc
Đồng chí Vũ Thị Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị để chỉ rõ nguyên nhân, có giải pháp khắc phục. "Phải nêu cụ thể hơn những ngành nào, cơ quan nào, cán bộ nào, thực hiện những nội dung nào còn chậm, còn nhiều ý kiến. Có ý kiến đánh giá một trong những nguyên nhân khiến cho cải cách hành chính chậm chuyển biến như vậy là do năng lực cán bộ thực thi nhiệm vụ. Tôi cho rằng đấy cũng là một phần nhưng tôi cho rằng còn quan trọng hơn nữa, đó là ý thức, tinh thần trách nhiệm và đạo đức công vụ của cán bộ thực thi nhiệm vụ còn hạn chế. Phải chỉ ra như vậy mới xác định được trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu như người đứng đầu quyết liệt, sâu sát hơn, kiểm điểm, quy trách nhiệm rõ hơn cho các bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thì tôi tin rằng sẽ có chuyển biến. Đã đến lúc chúng ta nhìn thẳng vào sự thật để đánh giá, chỉ ra, khắc phục, nếu không thì hạn chế này sẽ tồn tại muôn thuở", đồng chí Phương nói.
Đồng chí Vũ Thị Phương đặt vấn đề hiện tỉnh chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, vậy các cơ quan chuyên môn đã vào cuộc quyết liệt chưa. Việc giải quyết kiến nghị, bức xúc của doanh nghiệp còn chậm song rất nhiều sở ngành, huyện đánh giá cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng chí Phương cho rằng việc đánh giá này chưa thực sự nghiêm túc.
Đề cập đến việc chỉ số PCI của tỉnh năm 2017 giảm, đồng chí Đoàn Việt Hùng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy Hải Dương đặt vấn đề vì sao chỉ số cải cách hành chính của các sở, ngành, huyện thể hiện rất tốt mà chỉ số PCI của tỉnh lại giảm? PCI của tỉnh là tập hợp các chỉ số, trong đó có chỉ số cải cách hành chính của của sở, ngành, địa phương nên các sở, ngành cũng có trách nhiệm khi PCI của tỉnh giảm.
Đồng chí Cao Ngọc Quang, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện ủy Tứ Kỳ cho rằng PCI chủ yếu liên quan đến cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và thu hút đầu tư. Hiện nay việc thực hiện TTHC trong cấp phép đầu tư vào các khu công nghiệp đã nhanh hơn trước nhưng cấp phép đầu tư vào các cụm công nghiệp vẫn còn chậm, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư cần có giải pháp tháo gỡ để rút ngắn thời gian. Đồng chí Cao Ngọc Quang cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường quan tâm đến việc thành lập quỹ đất phát triển các cụm công nghiệp, có chính sách quản lý với đất hoang hóa, tránh tình trạng có doanh nghiệp tranh thủ mua đất hoang hóa để đầu cơ, hoặc doanh nghiệp đầu cơ đất của cụm công nghiệp…
Tháo gỡ khó khăn trong công tác cán bộ
Đồng chí Phạm Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Nam Sách nêu việc luân chuyển cán bộ gặp nhiều vướng mắc
Đồng chí Phạm Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Nam Sách cho rằng việc đánh giá cán bộ khi xem xét bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử ở một số cơ quan, đơn vị vẫn còn chung chung và còn mang tính hình thức, dẫn đến có lúc, có nơi việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử còn chưa được tốt, cán bộ được bổ nhiệm chưa phát huy được vai trò và chất lượng công tác còn hạn chế.
Một trong những khó khăn của công tác cán bộ hiện này là việc thực hiện luân chuyển định kỳ, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức lãnh đạo, quản lý chưa được nhiều, nhất là đối với việc luân chuyển gắn với đào tạo nguồn cán bộ. Vẫn còn một số vướng mắc như chế độ hỗ trợ cán bộ được luân chuyển xuống cơ sở chưa thống nhất trong toàn tỉnh. Khi huyện có chủ trương hỗ trợ thì lại không được Kho bạc Nhà nước chấp thuận. Khi cán bộ huyện được luân chuyển xuống xã, thị trấn mà hết thời gian, luân chuyển về huyện lại phải thực hiện xét chuyển công chức của cấp huyện.
Đồng tình với ý kiến này, đồng chí Cao Ngọc Quang, Bí thư Huyện ủy Tứ Kỳ cho rằng nguyên nhân các huyện chậm triển khai việc luân chuyển cán bộ là do còn nhiều vướng mắc. Qua đại hội, hầu hết các xã đã bố trí đầy đủ các chức danh. Việc chuyển cán bộ xã lên huyện vướng do có đồng chí chưa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, không muốn làm chuyên viên mà làm cán bộ quản lý thì chưa đáp ứng yêu cầu. Việc chuyển cán bộ từ huyện xuống xã lại vướng quy định sau khi quay về lại phải sát hạch nếu chuyển về ngạch công chức. Đồng chí Quang cũng cho biết, việc thực hiện Đề án 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc bố trí Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch UBND xã. Vừa rồi Tứ Kỳ đã thử bố trí tại một xã, song cán bộ chưa đảm đương được hai chức danh cùng lúc, nên lại phải bố trí 2 người. Việc bố trí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu dân cư đang cố gắng gặp khó khăn do các thôn đang ổn định, tới đây khi bầu lại trưởng thôn sẽ bố trí, sắp xếp, quyết tâm thực hiện việc giảm cán bộ chuyên trách ở cơ sở.
Một số ý kiến thảo luận cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay đang thực hiện tinh giản biên chế và tinh gọn bộ máy thì việc sắp xếp cán bộ sau luân chuyển gặp khó khăn, đề nghị Tỉnh ủy sớm ban hành cơ chế hợp lý, tạo động lực để cán bộ phấn đấu trong công tác.
PV