Cuốn sách “Cần Kiệm Liêm Chính” được Bác Hồ tập hợp lại ngày 20-6-1949, với bút danh Lê Quyết Thắng, từ những bài viết đăng trên báo Cứu quốc.
Theo Bác, cần, kiệm, liêm, chính là nền tảng của đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc. Người so sánh:
“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Thiếu một mùa, thì không thành trời.
Thiếu một phương, thì không thành đất.
Thiếu một đức thì không thành người”.
Theo Người, cần tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai. Chữ cần có nghĩa hẹp, như: tay siêng làm thì hàm siêng nhai. Nó lại có nghĩa rộng là mọi người đều phải cần, cả nước đều phải cần. Người siêng năng thì mau tiến bộ. Cả nhà siêng năng thì chắc ấm no. Cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh. Cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu. Muốn cho chữ cần có nhiều kết quả hơn, thì phải có kế hoạch cho mọi công việc. Nghĩa là phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng, phân công công việc cho khéo.
Còn kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Cần và kiệm phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người. Cần mà không kiệm "thì làm chừng nào xào chừng ấy". Kiệm mà không cần thì không tăng thêm, không phát triển được. Tiết kiệm không phải chỉ riêng của cải mà cả thời giờ. Muốn tiết kiệm có kết quả tốt, thì phải khéo tổ chức.
Liêm là trong sạch, không tham lam. Trong đó, cán bộ phải thực hành liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân. Dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện liêm.
Chính nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Cần, kiệm, liêm là gốc rễ của chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có cành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn.
Bác cho rằng, bất kỳ ở tầng lớp nào, giữ địa vị nào, làm nghề nghiệp gì, sự hoạt động của một người trong xã hội có thể chia làm 3 mặt: Mình đối với mình, mình đối với người và mình đối với công việc. Đối với mình chớ tự kiêu, tự đại, phải luôn luôn cầu tiến bộ, phải tự phê bình và hoan nghênh người khác phê bình mình. Đối với người khác thì ta phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ, thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết. Đối với việc, phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà. Mỗi ngày cố làm một việc lợi cho nước (lợi cho nước tức là lợi cho mình), dù là việc nhỏ, thì một năm ta làm được 365 việc. Nhiều lợi nhỏ cộng thành lợi to.
Những lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuốn sách “Cần Kiệm Liêm Chính” luôn giữ nguyên giá trị và tính thực tiễn ở mọi thời đại.
HƯƠNG SƠN(biên soạn)