Cần khuyến cáo nông dân phòng, chống ngộ độc hữu cơ trên lúa

11/07/2011 08:05

Lúa bịh ngộ độc hữu cơ sẽ không hấp thu được phân bón, chậm phát triển, nếu bị ngộ độc nặng lúa có thể bị chết nên bà con nông dân cần hiểu rõ tác hại và có biện pháp phòng chống hiệu quả.

Hiện nay, do thời vụ gieo cấy vụ mùa gấp rút nên việc làm đất không được kỹ lưỡng, rất dễ dẫn đến tình trạng lúa bị ngộ độc hữu cơ do quá trình phân hủy gốc rạ gây ra. Hiện tượng này sẽ làm cho cây lúa không hấp thu được phân bón, chậm phát triển, nếu bị ngộ độc nặng lúa có thể bị chết.

Để khắc phục tình trạng này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện cần khuyến cáo nông dân chủ động thời gian làm đất phù hợp, tránh làm đất hôm trước, gieo cấy lúa luôn hôm sau. Sau khi cấy từ 15-20 ngày, nông dân cần kiểm tra đồng ruộng để sớm phát hiện các triệu chứng của bệnh. Lúa bị ngộ độc hữu cơ, lúa có biểu hiện lá lúa chuyển sang vàng, khi nhổ lúa kiểm tra thấy rễ lúa có hiện tượng thối đen hoặc vàng. Đối với những diện tích lúa đã cấy bị ngộ độc hữu cơ, cần tháo hết nước ở ruộng cho đất thông thoáng, nhả hết CO2, sau đó bón phân lân cho lúa hoặc sử dụng các loại phân bón qua lá có hàm lượng lân cao, kết hợp bón thêm vôi bột. Tuyệt đối không được bón phân đạm. Trường hợp không tháo được nước, sau khi bón vôi xong, cần làm cỏ sục bùn để giải phóng khí độc trong đất. Khi lúa phát triển trở lại, ra rễ trắng, có thể bón thúc và chăm sóc lúa bình thường.

HẢI MINH(Bình Giang)

(0) Bình luận
Cần khuyến cáo nông dân phòng, chống ngộ độc hữu cơ trên lúa