Cận kề ngày sáp nhập: Cán bộ xã vẫn chờ phương án sắp xếp, bố trí

07/11/2019 13:43

Do chưa có hướng dẫn cụ thể nên cán bộ, công chức các xã trong diện sáp nhập chưa biết sẽ được bố trí, sắp xếp thế nào dù ngày xã mới chính thức hoạt động không còn xa.

Cán bộ, công chức xã Hoàng Hanh (Ninh Giang) kiểm kê, chuẩn bị chốt tài liệu để bàn giao cho xã mới

Chưa có lời giải về công tác cán bộ

Sáng 5.11, tại trụ sở UBND xã Hoàng Hanh (Ninh Giang), các cán bộ, công chức của xã đều có mặt đông đủ và tất cả đều vẫn nguyên tâm trạng mong ngóng thông tin như từ nhiều tháng trước. Chưa ai biết mình sẽ được bố trí, sắp xếp thế nào khi xã mới đi vào hoạt động.

Đồng chí Lê Đình Dạng, Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Hanh cho biết đến thời điểm này việc Trung ương và tỉnh chưa ban hành hướng dẫn, chưa có phương án cụ thể về sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các xã sáp nhập đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của cán bộ, công chức xã.

Một số đồng chí trước đó có tâm tư muốn nghỉ theo các chế độ nhưng đến nay đều có chung tâm lý là chờ đợi. Cán bộ địa chính xã Phạm Phú Thao cũng chỉ biết kiểm tra, sắp xếp lại tài liệu theo yêu cầu của lãnh đạo xã để chuẩn bị bàn giao chứ cũng chưa biết sẽ bàn giao cho ai, bàn giao thế nào.

Tại xã Quang Hưng (Ninh Giang), đồng chí Lê Tài Hoa, Chủ tịch UBND xã đã phải làm công tác tư tưởng cho cán bộ, công chức xã do ai cũng tỏ ra sốt ruột khi chưa có hướng dẫn cụ thể, phương án sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức. Câu chuyện ai đi, ai ở, ai làm gì đã được bàn từ khi có chủ trương sáp nhập nay lại chiếm khá nhiều thời gian, tâm trạng của cán bộ, công chức.

Tại xã mới sau khi nhập 3 xã Tân Quang, Hoàng Hanh và Quang Hưng, nếu làm phép tính cộng thông thường thì sẽ có tới hơn 50 cán bộ, công chức và số lượng khá đông người hoạt động không chuyên trách.

Việc chưa có phương án cụ thể đồng nghĩa với việc mấy chục cán bộ, công chức của cả 3 xã tiếp tục làm việc trong thấp thỏm, trông ngóng. Trong khi Ninh Giang có tới 2 cụm nhập 3 xã thành 1 xã.

Đồng chí Nguyễn Xuân Tưởng, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Ninh Giang cho biết huyện cũng đã dự thảo phương án sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức nhưng vẫn phải chờ hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh mới thực hiện được.

Sáng 6.11, Huyện ủy Bình Giang đã triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết số 788/NQ-UBTVQH14 ngày 16.10.2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hải Dương.

Tuy nhiên, công tác sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã là mối quan tâm hàng đầu của cán bộ, công chức ở các xã sáp nhập thì đến thời điểm này cũng chưa có câu trả lời.

Đồng chí Vũ Văn Hệ, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tuy (Bình Giang) cho biết không thể tránh khỏi cán bộ, công chức băn khoăn, mong ngóng về việc bố trí người dôi dư thế nào. Xã Vĩnh Tuy sẽ nhập với xã Hưng Thịnh và theo thống kê có thể dôi dư 27 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách.

Theo đồng chí Hà Thị Thủy, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Bình Giang, việc sắp xếp cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở các đơn vị hành chính cấp xã mới vẫn phải đợi vì đến nay vẫn chưa có hướng dẫn của tỉnh và các ngành.

Lúng túng chuẩn bị bàn giao

Cán bộ, công chức xã Kim Giang (Cẩm Giàng) cũng đang lúng túng về thời điểm chốt sổ sách, công nợ. Theo năm tài chính thì đến hết ngày 31.12 mới khóa sổ kế toán và mở sổ mới nhưng theo kế hoạch sáp nhập thì hết tháng 11 mọi công nợ, sổ sách phải được chốt để bàn giao.

Do xã mới sẽ đi vào hoạt động từ ngày 1.12 nên thời gian còn lại của năm tài chính sẽ tính như thế nào, có khóa sổ, mở sổ kế toán mới hay chờ hết năm là nội dung cần được hướng dẫn.

Ngoài ra, bên cạnh nợ xây dựng cơ bản sẽ có cả những địa phương còn nợ chi thường xuyên nhiều thì sau khi sáp nhập món nợ này sẽ được giải quyết theo hướng nào cũng chưa có hướng dẫn.

Tại xã Việt Hưng (Kim Thành), theo Chủ tịch UBND xã Vũ Văn Cầu, hiện xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới và nếu sáp nhập với xã Tuấn Hưng (đơn vị cũng đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới) sẽ là điều kiện thuận lợi cho đơn vị mới.

Tuy nhiên, xã cũng đang băn khoăn nếu thời điểm được công nhận xã nông thôn mới sau khi đã nhập vào xã mới thì có còn được nhận nguồn hỗ trợ của tỉnh hay không? Đây là nguồn lực xã trông vào để trả một phần nợ xây dựng cơ bản.

Cán bộ chủ chốt nhiều xã diện sáp nhập đều mong muốn sớm có các hướng dẫn để thực hiện đúng các thủ tục, quy trình để chuẩn bị cho hoạt động của đơn vị hành chính cấp xã mới.

Thời gian chuẩn bị để sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã không còn nhiều. Do đó việc ban hành các hướng dẫn, xây dựng phương án cụ thể để thực hiện các chính sách đối với cán bộ dôi dư, bàn giao, tiếp nhận giữa các xã cần phải thật khẩn trương, minh bạch nhằm sớm ổn định tình hình tại các xã mới.

PV

(0) Bình luận
Cận kề ngày sáp nhập: Cán bộ xã vẫn chờ phương án sắp xếp, bố trí