Tại Hải Dương, chương trình tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục đã được ngành giáo dục áp dụng trong toàn tỉnh khoảng 4 năm học gần đây.
Những ngày đầu năm học mới 2018 - 2019, khắp các diễn đàn trên mạng xã hội tranh luận, bàn tán về những bài học đầu tiên môn tiếng Việt lớp 1 theo chương trình công nghệ giáo dục (CNGD). Hoang mang, lo lắng, thậm chí bức xúc xé luôn cả sách của con em mình là những trạng thái của nhiều phụ huynh khi đề cập đến vấn đề này. Là một giáo viên tiểu học, từng được học và tìm hiểu về tiếng Việt, đặc biệt là ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và phương pháp dạy học tiếng Việt bậc tiểu học dưới mái trường sư phạm, xin được chia sẻ một số điều xung quanh vấn đề này mà nhiều người hiện đang nhầm lẫn.
Thứ nhất, chương trình tiếng Việt lớp 1 CNGD và đề xuất cải tiến chữ viết của Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Bùi Hiền hoàn toàn khác nhau. Chương trình tiếng Việt lớp 1 CNGD đã được triển khai từ rất lâu trong khi đề xuất cải tiến chữ viết của ông Bùi Hiền mới được đưa ra từ cuối năm 2017. Tại Hải Dương, chương trình tiếng Việt lớp 1 CNGD đã được ngành giáo dục áp dụng trong toàn tỉnh khoảng 4 năm học gần đây chứ không phải hoàn toàn mới mẻ.
Thứ hai, đặc trưng ngữ âm của tiếng Việt là các âm tiết (tiếng) tách bạch rõ ràng cả khi nói và viết. Khi nói, chúng ta sẽ đếm được các tiếng mình phát ra và mỗi tiếng được thể hiện bằng một chữ khi viết. Ví dụ: câu “Tôi là giáo viên” khi nói có 4 tiếng và khi viết cũng có 4 chữ. Quay trở lại chương trình Tiếng Việt lớp 1 CNGD, phần I của bài “Tiếng” (bài học đầu tiên) học sinh được học cách “tách lời ra từng tiếng”, qua đó giúp các em hiểu lời nói của chúng ta có thể tách thành các tiếng rõ ràng, có thể đếm chính xác có bao nhiêu tiếng. Có tiếng được viết bằng nhiều con chữ như: trường, huyện…; lại có tiếng được viết bằng ít con chữ như: ao, a… Vào lớp 1, học sinh chưa biết đọc chữ nên việc nhìn chữ để đếm tiếng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, người biên soạn sách đã mô hình hóa các chữ thành các hình dạng trực quan (hình vuông, hình tam giác) để học sinh tách lời và đếm tiếng. Điều này hoàn toàn phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý học sinh giai đoạn đầu tiểu học. Việc mô hình hóa như trên còn giúp các em ghi nhớ mỗi tiếng phát ra tương ứng với một chữ để sau này không đọc thiếu, đọc thừa và không cần chỉ tay dò chữ. Tóm lại, mục đích của phần này không để học sinh đọc chữ bởi học sinh vẫn chưa biết chữ để đọc, cũng không phải nhìn vào các hình vuông, hình tam giác được in trong bài mà có thể luận ra chữ để đọc.
Thứ ba, về một số quy luật chính tả với phụ âm đầu. Hầu hết các nền giáo dục trên thế giới đều lựa chọn chuẩn chính âm để dạy đọc, phát âm cho học sinh ngay từ những năm đầu đi học, sau đó dựa trên các quy luật chính tả để thể hiện các âm đó trên chữ viết. Ngược lại, Việt Nam lại dựa trên các quy luật chính tả để dạy cách phát âm (dạy phát âm dựa trên hình thức chữ viết mà không dựa trên bản chất chính âm). Chúng ta quen với phát âm dựa trên hình thức chữ viết mà không dựa trên bản chất chính âm. Tuy nhiên, nếu để ý thì sẽ thấy rằng, việc dạy theo hình thức chữ viết, ban đầu trẻ sẽ dễ đọc dễ viết, nhưng sau này rất nhiều trẻ nói ngọng và viết sai chính tả một cách tràn lan. Đây là vấn đề khiến nhiều giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiểu học phải tốn nhiều thời gian để sửa lỗi phát âm lệch chuẩn, sửa lỗi chính tả cho học sinh.
Việc dạy tiếng Việt CNGD chính là dạy đọc và phát âm theo đúng bản chất chính âm của tiếng Việt, sau đó dựa trên các quy luật chính tả để thể hiện các âm đó sang chữ viết. Nhìn một cách khách quan, đây không phải là cải cách, là điểm mới trong dạy và học nói chung, dạy và học ở tiểu học nói riêng. Chương trình Tiếng Việt lớp 1 CNGD đến nay vẫn tồn tại nhiều hạn chế nhưng chắc chắn việc học tiếng Việt theo CNGD sẽ không làm cho học sinh học kém hơn, không làm cho học sinh mù chữ như nhiều người đã bức xúc phát biểu trên mạng xã hội.
Thiết nghĩ, trước khi bày tỏ quan điểm về một vấn đề nào đó, mọi người nên tìm hiểu thấu đáo hơn, tránh những hiểu nhầm, tránh "hội chứng đám đông" dẫn tới xúc phạm cá nhân và có thể ảnh hưởng không tốt tới việc học tập của con em trong tương lai.
PHẠM LƯƠNG THIỆN (Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, TP Hải Dương)