Bộ Giao thông vận tải, địa phương cần phải vào cuộc, thẳng thắn chỉ ra những sai sót để trả lời công luận và nhận thiếu sót, khuyết điểm...
“Bộ Giao thông vận tải (GTVT), địa phương cần phải vào cuộc, thẳng thắn chỉ ra những sai sót để trả lời công luận và nhận thiếu sót, khuyết điểm. Bộ trưởng Bộ GTVT cần giải trình rõ ràng về vấn đề BOT tại kỳ họp Quốc hội tới”, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu quan điểm.
Sao lại đặt trạm BOT ở Quốc lộ?
Hình thức đầu tư BOT không có lỗi, nhưng vì sao người dân lại bức xúc với nhiều trạm BOT giao thông, điển hình là trạm Cai Lậy mới đây, thưa ông?
Trong bối cảnh hiện nay, chủ trương kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT là rất đúng đắn, kịp thời. Chủ trương này góp phần huy động nguồn lực toàn xã hội đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, làm thay đổi bộ mặt giao thông và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên khi đầu tư vào BOT cần tuân thủ những quy định theo quyết định của Thủ tướng, Chính phủ. Mỗi trạm thu phí BOT cần đảm bảo khoảng cách theo quy định. Đặc biệt kêu gọi BOT đừng để thiệt thòi cho địa phương, chủ đầu tư, người bị tác động trực tiếp. Như vậy, cần có sự tham vấn, khi triển khai và đặt BOT tại vị trí này, vị trí kia có hợp lý hay không để tạo ra sự đồng thuận.
Trường hợp BOT Cai Lậy, có lẽ giữa chủ đầu tư và Bộ GTVT đã tính toán kỹ việc đặt trạm thu phí. Tuy nhiên việc đặt trạm BOT tại vị trí như hiện nay là không hợp lý. Đường quốc lộ 1A là của nhà nước đầu tư. Đường vẫn đi thông thoáng, dù có xuống cấp nhưng không đáng là bao. Việc nhà đầu tư chỉ rải thảm nhựa 26,5 km, với 300 tỷ đồng mà đặt trạm BOT giữa đường 1A là bất hợp lý.
Việc thu phí BOT phải trên các tuyến đường làm mới, ví dụ như cao tốc Trung Lương – Sài Gòn. Việc đặt trạm BOT Cai Lậy không nhận được sự đồng thuận, mới dẫn đến tình trạng nhà xe thể hiện thái độ không đồng tình bằng cách trả tiền lẻ khi qua trạm. Là một ĐBQH, tôi cũng cho rằng việc đặt trạm như vậy là không hợp lý.
Bộ GTVT và một số đơn vị liên quan đã đưa ra một số giải pháp nhằm “hạ nhiệt” tại các trạm BOT nhưng xem ra không thật sự hiệu quả, vì chưa giải quyết được cái gốc của vấn đề, thưa ông?
Theo tôi được biết, nhiều nhà xe tới đây sẽ tiếp tục kiến nghị phản đối. Tôi kiến nghị, với BOT Cai Lậy thì xây dựng đường mới ở chỗ nào, phải đặt trạm ở đúng chỗ đó. Nhà đầu tư nên đặt trạm ở đường tránh, đoạn đường đầu tư hơn 1 nghìn tỷ đồng thì hợp lý hơn. Ai đi vào đường BOT thì phải trả tiền, không đi đường đó, không phải trả tiền, tuân thủ đúng nguyên tắc lựa chọn cho chủ phương tiện.
Còn việc nhà đầu tư bỏ ra 300 tỷ đồng trải thảm nhựa trên tuyến Cai Lậy thì kiểm tra lại hồ sơ dự án xem thế nào, rồi nhà nước hoặc Bộ GTVT hoàn lại tiền cho nhà đầu tư. Số tiền hoàn trả đó không phải của ngân sách nhà nước mà lấy tiền từ thu phí bảo trì đường bộ.
Với BOT, cần phải đảm bảo sự lựa chọn cho người dân. Cũng giống như ở Long An, chủ phương tiện không đi cao tốc Trung Lương – Sài Gòn thì đi đường cũ. Với Cai Lậy, sao lại không làm vậy mà lại đặt trạm ngay giữa quốc lộ? Trong khi đó, 13 tỉnh ĐBSCL, thì tuyến quốc lộ chạy qua Tiền Giang này là đường độc đạo, số lượng xe đi lại rất nhiều. Chuyên gia kinh tế đã tính toán, nếu với mức thu phí tối thiểu hiện nay thì chỉ cần 3 tháng, chủ đầu tư tuyến Cai Lậy đã thu đủ 300 tỷ đồng hồi vốn rồi.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu cho thu trong thời gian 6,5 năm, với mức giá thấp nhất như vừa rồi, chủ đầu tư BOT Cai Lậy cũng thu được hơn 4 nghìn tỷ đồng, trong khi đó mức đầu tư chỉ 1.300 tỷ đồng. Đó là một con số lợi nhuận kếch xù, không thể tưởng tượng được, không ai có thể chấp nhận. Việc thu với mức giá thấp nhất còn như thế, không biết thu mức cao hơn sẽ thế nào?
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa
Có lợi ích nhóm?
Với hàng loạt cơ quan thẩm định, giám sát mà thực tế còn xảy ra nhiều bất hợp lý như vậy, phải chăng có lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ khi làm BOT?
Khi phê duyệt và triển khai dự án BOT, không biết những người trong cuộc có nghĩ tới tình huống xảy ra như bây giờ không. Nếu đoán trước tình hình, chắc chẳng ai dám phê duyệt cho đầu tư. Ở đây có thể có những khuất tất trong đó, vì sự việc đã rõ như ban ngày rồi. Nói về câu chuyện lợi ích, trước tiên có thể có yếu tố lợi ích của địa phương. Đầu tư BOT tại đây, tỉnh Tiền Giang không mất tiền, nhưng lại có một con đường mới để phát triển kinh tế. Rồi lợi ích của nhà đầu tư, đó là một lợi nhuận kếch xù, vì thế người ta mới quyết tâm đầu tư phương án này (!?).
Đó là chưa kể, việc đầu tư BOT tại đây cũng chưa phải đúng đắn, vì đoạn đường dài hơn, chủ phương tiện đã tốn phí lại tốn thêm xăng dầu. Phí đổ lên đầu nhà xe, nhưng nhà xe đâu chịu thiệt, lại đổ lên đầu người dân, cuối cùng toàn dân phải gánh chịu.
Theo ông, vấn đề bất hợp lý nhất khiến người dân bức xúc tại các dự án BOT vừa qua là gì?
Đầu tư mở đường cao tốc người dân luôn ủng hộ, hoan nghênh và doanh nghiệp khi đầu tư cũng có lợi nhuận. Tuy nhiên, điều đáng nói là anh chỉ làm một đoạn đường mới, thậm chí không làm đường mới, mà chỉ “tráng men” đường cũ mà lại đặt trạm BOT. Đó là điều bất hợp lý tại các tuyến BOT, gây bức xúc dư luận.
Điều đáng nói là vốn của nhà đầu tư BOT không có bao nhiêu, chỉ mười mấy phần trăm, phần lớn vốn vay của ngân hàng. Nếu có điều gì xảy ra với dự án, ngân hàng lãnh hết, mà ngân hàng cũng thuộc nhà nước, cũng là tiền của nhân dân.
Theo ông, trách nhiệm của Bộ GTVT trước thực trạng các dự án BOT bộc lộ nhiều bất hợp lý như hiện nay ra sao?
Phải làm rõ trách nhiệm cụ thể. Bộ GTVT phải trả lời trước Chính phủ, trước công luận về việc này. Nếu không vào Kỳ họp tháng 10 tới, sau khi Quốc hội thông qua thực hiện chính sách pháp luật về BOT, đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn, bản thân tôi cũng sẽ đặt vấn đề này ra Quốc hội. Bởi không chỉ trạm BOT Cai Lậy mà còn nhiều BOT khác đã và đang gây bức xúc như ở Đồng Nai, An Giang, Kiên Giang… Trạm BOT toàn đặt sai vị trí, dân không chịu, dẫn đến những điểm nóng hết sức nguy hiểm.
Cảm ơn ông.
Theo Tiền phong