Cần gấp rút xây dựng Luật Trưng cầu ý dân

22/10/2014 13:24

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề xuất như trên trong phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) sáng 22-10.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) phát biểu thảo luận về dự thảo Luật đầu tư công - Ảnh: TTXVN

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) - Ảnh: TTO

Đại biểu Huỳnh Nghĩa nói: "Theo dự thảo Luật thì thẩm quyền trưng cầu ý dân thuộc về Quốc hội, việc tổ chức trưng cầu ý dân thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng chưa quy định cơ quan nào giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện chức năng này.

“Tôi đề nghị cần xem xét lại vấn đề này, phải chỉ rõ trong Luật, cơ quan nào có trách nhiệm triển khai thực hiện quyết định trưng cầu ý dân của Quốc hội, cách thức thực hiện như thế nào nhằm bảo đảm tính khả thi của điều luật. Không nên quy định như dự thảo Luật”, đại biểu Huỳnh Nghĩa nói.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa đề xuất nên quy định ngay trong Luật cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai nhiệm vụ trưng cầu ý dân là Hội đồng Bầu cử quốc gia, vì hoạt động tổ chức bầu cử và hoạt động tổ chức trưng cầu ý dân có điểm tương đồng nhau về bản chất và cách thức thực hiện, đều là kiểm tra sự đồng thuận của người dân về một vấn đề cụ thể của quốc gia.

Hơn nữa, để tổ chức bầu cử thì Hội đồng Bầu cử phải thống kê, cập nhật và quản lý danh sách cử tri nên sẽ thuận lợi cho việc tổ chức trưng cầu ý dân.

Hội đồng Bầu cử cũng là cơ quan Hiến định độc lập nên sẽ thuận lợi hơn trong việc đem lại tính khách quan của việc trưng cầu ý dân.

“Nhân đây tôi cũng đề nghị Quốc hội gấp rút xây dựng Luật Trưng cầu ý dân nhằm bảo đảm quy định rõ những vấn đề nào được đưa ra trưng cầu ý dân, quy mô của các cuộc trưng cầu ý dân”, đại biểu Huỳnh Nghĩa nói.

Trước việc dự thảo Luật quy định “trong trường hợp cần thiết, Quốc hội có thể quyết định tổ chức trưng cầu ý dân về Hiến pháp”, đại biểu Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) cho rằng, ở đây có thể hiểu việc trưng cầu ý dân là không bắt buộc mà chỉ thực hiện khi có điều kiện, để trưng cầu ý dân thì cần có hai dữ kiện là “trong trường hợp cần thiết” và “có thể”.

Theo đại biểu Tô Văn Tám, cả hai dữ kiện này thực chất là một, do đó nên bỏ dữ kiện “có thể”, đồng thời bổ sung vào dự thảo Luật quy định về trình tự, thủ tục và hệ quả của việc trưng cầu ý dân.

Chiều 22-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi).

V.V.THÀNH (Tuổi trẻ)

(0) Bình luận
Cần gấp rút xây dựng Luật Trưng cầu ý dân