Cần “dọn sạch” nhận thức về phòng chống dịch bệnh

23/08/2017 09:57

Đến ngày 18.8, toàn tỉnh đã có 157 trường hợp mắc và nghi mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 74 ca dương tính.


Bệnh đã lan rộng tới tất cả các huyện, thị xã và thành phố. Tỉnh đã công bố 6 ổ dịch. Tới nay, đã có 3 nơi công bố hết dịch. Ngành y tế và các cấp chính quyền đã triển khai nhiều biện pháp để tăng cường phòng chống dịch, trong đó tập trung vào hoạt động vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, phế thải, diệt lăng quăng (bọ gậy). Tuy nhiên, bệnh SXH vẫn đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ lan rộng. Ngoài thu gom rác thải, nơi đọng nước để bọ gậy (nguồn lây nhiễm SXH) không có nơi trú ngụ, chúng ta cũng cần tính đến việc “dọn sạch” nhận thức của người dân trong phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này.

SXH không phải bệnh dịch mới mà đã có từ rất lâu. Công tác tuyên truyền về phòng tránh SXH vẫn được thực hiện thường xuyên, đặc biệt vào những mùa muỗi sinh sôi, có nguy cơ xảy ra bệnh dịch. Nhưng dường như một bộ phận người dân vẫn xem nhẹ việc phòng tránh căn bệnh này. Ngay cả khi đã có các ổ dịch được công bố, mà vẫn có trường hợp người dân khi bị sốt, xuất huyết dưới da, tới bệnh viện điều trị rồi lại tự ý bỏ về nhà. Đối với một căn bệnh đang lan thành dịch thì việc mất cảnh giác trong phòng tránh, điều trị không chỉ ảnh hưởng tới bản thân người bị bệnh mà còn tạo nguy cơ cho cộng đồng. Do đó, điều quan trọng hơn là phải nâng cao ý thức xã hội để mỗi người dân tự thấy có trách nhiệm phòng tránh bệnh cho bản thân và gia đình là phòng tránh chung cho toàn xã hội. Khi tất cả cùng vì cái chung thì nguy cơ lây lan trong cộng đồng sẽ giảm bớt rất nhiều.

Với sự phát triển của các phương thức truyền thông hiện đại, việc thiếu kiến thức về phòng tránh dịch bệnh không còn là điều đáng lo ngại nhất. Có lẽ đa phần người dân trong tỉnh đều đã biết nguồn lây nhiễm của SXH, cách tiêu diệt nguyên nhân lây nhiễm là muỗi vằn, lăng quăng. Song cũng chính sự phát triển của các phương tiện truyền thông đã dẫn tới một mối lo mới. Đó chính là sự dư thừa, hỗn loạn thông tin, đặc biệt là những thông tin sai lệch trong cách điều trị, phòng chống bệnh. Trong những ngày cao điểm về phòng chống SXH này, trên mạng xã hội lan truyền nhiều bài viết về cách chữa trị SXH bằng các bài thuốc nam chưa được kiểm chứng như lá tre, lá đu đủ, đỗ xanh sống, lông gà…, cũng như nhiều lời khuyên phản khoa học, không căn cứ. Việc thiếu kiến thức không nguy hiểm bằng sở hữu những “kiến thức” lệch lạc và lan truyền chúng trong cộng đồng. Nếu như những bài thuốc đó được người dân tự ý áp dụng mà không đến điều trị tại các cơ sở y tế thì không chỉ gây hại cho chính bản thân họ và người thân mà còn tạo nguy cơ ấp ủ những ổ dịch mới.

Có thể nói, việc cung cấp thông tin về chữa trị và phòng chống bệnh một cách “hồn nhiên” của những người không có chuyên môn cũng đang là một loại bệnh dịch trên mạng xã hội. Không chỉ có bệnh SXH mà nhiều căn bệnh khác cũng có những bài thuốc kiểu như vậy lan truyền. Kể cả chương trình tiêm chủng mở rộng đã phát huy tác dụng tích cực trong phòng chống bệnh cho cộng đồng nhiều năm qua hiện giờ cũng bị nhiều người phản đối, lập thành các hội, nhóm chống vaccine. Sự lan truyền này có thể có tác hại lâu dài tới sức khỏe của nhiều thế hệ, là một mối đe dọa đối với các chương trình phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng khi người dân không nghe theo các lời chỉ dẫn, khuyến cáo của ngành y tế mà tự ý làm theo nhận thức chủ quan của mình.

Vì vậy, các cấp chính quyền, các ngành liên quan cần có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ những thông tin sai lệch về cách phòng chống, chữa trị dịch bệnh trên các phương tiện truyền thông; coi đó là những mối nguy ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng để có các biện pháp xử lý thích hợp. Cần nâng cao hiểu biết cơ bản của người dân về các kiến thức y học bằng cách tăng cường giảng dạy trong trường phổ thông, sáng tạo những cách tuyên truyền sinh động, hấp dẫn và thuyết phục. 

LAM ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần “dọn sạch” nhận thức về phòng chống dịch bệnh