Thực trạng vấn đề xâm hại trẻ em ở nước ta ngày càng gia tăng với tính chất, mức độ nghiêm trọng, phức tạp.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia phiên thảo luận trực tuyến về Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Ngày 27.5, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận trực tuyến về báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại điểm cầu Hải Dương, tham gia góp ý, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh) nêu ý kiến, việc xâm hại trẻ em, trong đó bao gồm xâm hại về tình dục, bạo lực về thể chất, tinh thần, cưỡng bức lao động, mua bán trẻ em... đã và đang là những vấn đề nhức nhối trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần và sự phát triển toàn diện ở trẻ em, những chủ nhân tương lai của đất nước.
Đại biểu Nga cho rằng, trẻ em Việt Nam đang ngày càng được Đảng, Chính phủ, gia đình và toàn xã hội quan tâm, chăm sóc ngày càng tốt hơn cả về thể chất, tinh thần, được bảo đảm các quyền và tạo mọi điều kiện tốt nhất để phát triển toàn diện. Hệ thống chính sách pháp luật liên quan tới trẻ em nói chung và việc ban hành, thực thi chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em của nước ta ngày càng hoàn thiện hơn.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nga, các báo cáo trên cũng như rất nhiều vụ việc gần đây cho thấy thực trạng vấn đề xâm hại trẻ em ở nước ta ngày càng gia tăng với tính chất, mức độ nghiêm trọng, phức tạp…. Vì vậy, đây là vấn đề Quốc hội cần đặc biệt quan tâm và đưa ra các giải pháp hữu hiệu hơn để sớm cải thiện vấn đề này. Đại biểu Nga kiến nghị, hiện nay, hệ thống luật pháp, chính sách của Việt Nam về vấn đề này đã tương đối đầy đủ, song vẫn chưa đáp ứng kịp với thực tế. Trong các văn bản dưới luật, cần đưa ra các quy định, các khái niệm cụ thể hơn, ví dụ quy định cụ thể về các hành vi xâm hại tình dục, xâm hại trẻ em... Bên cạnh đó, các chế tài xử lý, răn đe cần nghiêm khắc, có sức mạnh hơn nữa. Việc xử lý các vi phạm này còn có những vụ việc chưa nghiêm minh, chưa đủ sức răn đe, thậm chí bị thỏa hiệp, che giấu…
Theo đại biểu Nga, việc xử kín các tội danh xâm hại trẻ em chưa có tác dụng răn đe. Vì vậy, các phiên tòa xử tội xâm hại trẻ em cần phải được xử công khai. Nạn nhân không cần có mặt trong phiên tòa mà chỉ cần người đại diện hợp pháp. Mặt khác, cần có chế tài để giám sát tội phạm xâm hại trẻ em, ngay cả khi đã chấp hành xong án tù.
Vấn đề xâm hại trẻ em còn nhiều nhức nhối có một phần nguyên nhân xuất phát từ nhận thức của người dân. Nhiều người chỉ hiểu xâm hại trẻ em là xâm hại tình dục trẻ em. Các hành vi khác như bạo lực tinh thần trẻ em, sao nhãng, bỏ mặc không chăm sóc trẻ em, cưỡng bức trẻ em lao động… chưa được hiểu là xâm hại trẻ em nên có khi nhiều người không biết đó là hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em. Ngay việc xâm hại tình dục trẻ em cũng được hiểu rất khác nhau. Hành vi nào là xâm hại tình dục trẻ em, hành vi nào là tiếp xúc thông thường, yêu thương, cưng nựng trẻ em vẫn chưa có quy định rõ ràng, cụ thể và còn gây nhiều tranh cãi. Chính vì vậy, việc tố cáo tội phạm, theo dõi, giám sát, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em vẫn còn nhiều bất cập. Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân là một giải pháp cần đặc biệt quan tâm.
Đại biểu Nga cũng cho rằng, hiện nay, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về vấn đề này vẫn chưa đi sâu, còn nặng về hình thức. Cần đặc biệt quan tâm hơn nữa tới giáo dục nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình đối với trẻ em; giáo dục luật pháp, chính sách về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cho các bậc phụ huynh. Đặc biệt, cần chú trọng ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
PV