Trước hết, tôi nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban soạn thảo về Luật Phòng, chống khủng bố.
Đại biểu Phạm Hồng Hương. Ảnh: Đình Nam
Có thể nói Ban soạn thảo dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu khá đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã tham gia thảo luận đóng góp ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và được chỉnh lý dự thảo luật khá công phu theo hướng gọn, rõ và dự thảo luật có tính khả thi. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo luật, tôi xin tham gia đóng góp một số ý kiến sau đây.
Trước hết về Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống khủng bố thì cũng như một số ý kiến của các đồng chí đã phát biểu, tôi thấy rằng BCĐ phòng, chống khủng bố được tổ chức ở hai cấp: cấp Trung ương và cấp tỉnh. Còn ở các bộ, ngành và cơ quan ngang bộ thì tùy từng trường hợp cụ thể và được sự đồng ý của Chính phủ trong trường hợp cần thiết sẽ ra quyết định thành lập BCĐ là hoàn toàn phù hợp.
Ở điều quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của BCĐ phòng, chống khủng bố tại điểm b khoản 2 nếu xác định như vậy chưa thể hiện và chưa phát huy hết vai trò, vị trí, nhiệm vụ quan trọng nhất của BCĐ phòng, chống khủng bố. Nhiệm vụ quan trọng nhất của BCĐ phòng, chống khủng bố là chỉ đạo, chỉ huy, tổ chức xây dựng lực lượng, xây dựng phương án và triển khai, tổ chức thực hiện. Tất cả các nhiệm vụ này đều phải được cụ thể hóa trong luật. Chính vì vậy, đề nghị nghiên cứu sửa điểm b khoản 2 về nhiệm vụ, quyền hạn của BCĐ là "giúp cho chủ tịch UBND cùng cấp tổ chức xây dựng, phối hợp liên ngành thực hiện công tác chống khủng bố tại địa phương". Như vậy, thêm cụm từ "tổ chức xây dựng" và thay từ "về" bằng cụm từ "thực hiện".
Về người chỉ huy chống khủng bố, cần quy hoạch rõ ràng, dễ hiểu, tránh có điều, khoản chung chung khó áp dụng trong quá trình thực hiện luật. Trong điều này, cụm từ "cấp có thẩm quyền" cần được xác định rõ trong luật. Theo tôi, cấp có thẩm quyền như dự thảo luật cũ thảo luận tại Kỳ họp thứ 4 giao cho BCĐ phòng, chống khủng bố từng cấp quyết định đối với người chỉ huy chống khủng bố hoàn toàn hợp lý. Hiểu và tổ chức như vậy mới phát huy hết được trách nhiệm của BCĐ, đặc biệt là bảo đảm tính kịp thời, đây là một trong những yêu cầu hết sức quan trọng và cần thiết trong việc xử trí các tình huống khủng bố. Chính vì vậy, ở khoản 1 điều này nên sửa là "người chỉ huy chống khủng bố là người được BCĐ phòng, chống khủng bố cấp tổ chức thực hiện quyết định". Theo đó, khoản 2 nên bỏ cụm từ "do cấp có thẩm quyền quyết định" để viết lại cho gọn.
Tương tự như vậy, điểm a khoản 1 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của người chỉ huy chống khủng bố, cũng nên bỏ cụm từ "cấp có thẩm quyền quyết định", hoặc thay bằng cụm từ "BCĐ phòng, chống khủng bố của cấp tổ chức thực hiện quyết định".
Để bảo đảm sự thống nhất giữa chức năng và phát huy được vai trò, trách nhiệm của BCĐ phòng, chống khủng bố thì Ban soạn thảo nên nghiên cứu để BCĐ phòng, chống khủng bố được thay thế cho người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Theo tôi, BCĐ phòng, chống khủng bố tổ chức thực hiện được huy động lực lượng, phương tiện trưng mua, trưng dụng tài sản để thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố.