Cần có cơ chế hoạt động khoa học - công nghệ phù hợp

27/05/2013 14:53

Qua nghiên cứu Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (KH-CN) sửa đổi trình tại kỳ họp này, tôi xin tham gia một số ý kiến như sau:


Tại điều 3 giải thích từ ngữ, tôi đề nghị cần bổ sung một số khái niệm như: phát hiện, phát minh, sáng chế, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nhân lực KH-CN. Đây là những khái niệm nền tảng trong hoạt động KH-CN, được dùng nhiều trong dự thảo luật nhưng chưa làm rõ khái niệm.

Về nguyên tắc hoạt động KH-CN quy định tại điều 5, tôi đề nghị bổ sung thêm các nguyên tắc: hoạt động KH-CN phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Hoạt động KH-CN phải có tính liên kết và hợp tác giữa nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu.

Về quy hoạch mạng lưới tổ chức KH-CN được quy định tại điều 10, tôi đề nghị quy định chỉ quy hoạch đối với các tổ chức KH-CN công lập. Bởi, một trong những nguyên tắc của hoạt động KH-CN là bảo đảm quyền tự do sáng tạo của các tổ chức, cá nhân. Hoạt động sáng tạo KH-CN cần được khuyến khích phát triển mạnh mẽ, nhằm khai thác tối đa tiềm năng trí lực của con người Việt Nam. Vì vậy, đối với các loại hình tổ chức KH-CN ngoài công lập và tổ chức KH-CN có vốn đầu tư nước ngoài không nên quá cứng nhắc quản lý theo quy hoạch. Hơn nữa, tại điều 11 của dự thảo luật cũng không quy định việc thành lập tổ chức KH-CN ngoài công lập phải tuân theo quy hoạch đã được duyệt.

Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục thành lập tổ chức KH-CN được quy định tại điều 12, tôi đề nghị nên bổ sung quy định về việc thành lập tổ chức KH-CN ở cấp huyện. Hiện nay, ở cấp huyện chỉ có hội đồng KH-CN hoạt động rất mờ nhạt, không có cơ quan chuyên môn về quản lý KH-CN. 

Hoạt động KH-CN có đặc thù riêng là tính sáng tạo rất cao, đi kèm với đó là tính rủi ro trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ KH-CN. Do đó, cần có những cơ chế, chính sách mang tính đặc thù đối với nhân lực KH-CN. Tôi đề nghị bổ sung thêm vào khoản 1, điều 23. Người được bổ nhiệm vào các chức danh KH-CN được thưởng từ các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao để tạo động lực cho cá nhân hoạt động KH-CN. Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế khen thưởng cho các tập thể và cá nhân không phải giữ chức danh KH-CN, đó là những người dân say mê sáng tạo, có những sáng chế, cải tiến kỹ thuật mang lại kết quả hữu ích. Cùng với việc có chính sách ưu đãi đối với nguồn nhân lực và nhân tài KH-CN trong các tổ chức KH-CN, cũng cần bổ sung chính sách ưu đãi, thu hút các sinh viên giỏi vào các ngành nghiên cứu khoa học cơ bản.

Về thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ KH-CN và ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ KH-CN được quy định tại điều 27, tôi đề nghị xem xét, điều chỉnh lại quy định UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh giao hoặc ủy quyền cho cơ quan quản lý KH-CN cấp tỉnh phê ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ KH-CN. Như vậy sẽ phù hợp với tình hình thực tiễn và có tính khả thi cao hơn.

Tại khoản 2 điều 53, về đầu tư, tài chính phục vụ phát triển KH-CN, đề nghị quy định cụ thể hơn cơ quan quản lý, phân bổ ngân sách KH-CN để bảo đảm thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước. Vì theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, kinh phí cho nhiệm vụ KH-CN ở cấp tỉnh được phân bổ theo hai hình thức: đối với các đơn vị thuộc ngân sách cấp tỉnh và huyện do UBND tỉnh trực tiếp phân bổ cho các đơn vị chủ trì nhiệm vụ KH-CN; đối với các đơn vị không thuộc ngân sách cấp tỉnh do Sở KH-CN phân bổ.

(0) Bình luận
Cần có cơ chế hoạt động khoa học - công nghệ phù hợp