Cần cảnh giác với viêm não cấp ở trẻ

16/10/2022 06:48

Viêm não cấp là một tình trạng viêm cấp tính của nhu mô não, biểu hiện bằng sự rối loạn chức năng thần kinh - tâm thần khu trú hoặc lan tỏa. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng trẻ em có tỉ lệ mắc cao hơn.

Theo các chuyên gia, thời tiết chuyển mùa từ nắng nóng sang mưa rào là yếu tố thuận lợi cho các bệnh viêm nhiễm, trong đó có bệnh viêm não. Đáng lo ngại hơn những biểu hiện ban đầu của viêm não rất giống với các bệnh thông thường khác và chỉ được phát hiện bằng việc xét nghiệm, nên hậu quả để lại thường rất nghiêm trọng. 

Viêm não cấp là một tình trạng viêm cấp tính của nhu mô não

Cứu sống bé trai mắc viêm não hoại tử cấp tính hiếm gặp

Ngày 13.10.2022, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh viện vừa cứu sống một trường hợp viêm não hoại tử cấp tính rất hiếm gặp.

Trước đó, vào tháng 8/2022 Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận bệnh nhi B. D. M, nam, 7 tuổi, ở quận 12, TP. Hồ Chí Minh trong tình trạng sốt cao lên tới 39 độ C, có cơn co giật.

Theo PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng khoa Hồi sức Nhiễm - Chủ nhiệm bộ môn Nhi - Đại học Y Dược TP. HCM: Sau khi tiếp nhận, ngay lập tức các bác sĩ đã nhanh chóng cho bệnh nhi thở oxy, chống co giật, sử dụng thuốc kháng sinh, kháng virus, chống phù não, đồng thời tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân.

Kết quả sau khi chụp CT não, các bác sĩ ghi nhận có tổn thương giảm đậm độ nhu mô não vùng đồi thị, bán cầu đại não 2 bên và thân não. Xét nghiệm PCR dịch tiết hô hấp có kết quả dương tính với virus cúm A.  

Sau 10 ngày điều trị, tình trạng suy hô hấp, sốc có cải thiện, tri giác tiến triển nhưng chậm. Và sau 2 tháng điều trị tích cực, bệnh nhi mới cải thiện hoàn toàn về tri giác, nhận thức và vận động, tất cả giác quan bình thường.

Tương tự, theo thông tin tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, những tuần gần đây tiếp nhận một số ca viêm não, viêm màng não. Cụ thể, có bệnh nhân nam 15 tuổi ở Hà Nội bị viêm não Nhật Bản. Trước khi vào viện, bệnh nhân đau đầu, bứt rứt, khó chịu, nôn, rối loạn ý thức, loạng choạng... Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhi đã tỉnh táo, ổn định, đi lại bình thường.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, virus gây bệnh truyền từ động vật sang người thông qua vết muỗi đốt. Do hiện nay thời tiết đang chuyển mùa, nhiều muỗi truyền bệnh phát triển là yếu tố thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh, trong đó có viêm não Nhật Bản.

Ở giai đoạn khởi phát, viêm não cấp có triệu chứng thường gặp là sốt xảy ra đột ngột, thường sốt liên tục 39 - 40 độ C

Không chủ quan với viêm não cấp ở trẻ

Theo các nghiên cứu có tới 40% trẻ em bị viêm não cấp ở Hoa Kỳ vào viện trong tình trạng nguy kịch, tỷ lệ tử vong do căn bệnh này là 3%.

Các chuyên gia cho biết, có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng viêm não, trong đó nguyên nhân chủ yếu là nhiễm khuẩn và thường gặp nhất do virus, nhưng cũng có thể do vi khuẩn, ký sinh trùng, đơn bào.

Viêm não cấp được chia làm 4 thể, cụ thể: Viêm não cấp tiên phát; viêm não cấp thứ phát; viêm não cấp do yếu tố tự miễn dịch; viêm não cấp mạn tính hay viêm não cấp bán cấp... Nhìn chung giai đoạn khởi phát, viêm não cấp có triệu chứng thường gặp là sốt, xảy ra đột ngột, thường sốt liên tục 39 - 40 độ C, nhưng cũng có thể sốt không cao. Với biểu hiện ban đầu có thể là những triệu chứng giống các bệnh thông thường khác như: Sốt, ho, sổ mũi, tiêu chảy, nôn... hoặc chỉ sốt nên dễ bị chủ quan. 

Giai đoạn sau trẻ sốt cao, bỏ ăn, bỏ bú, yếu tay chân. Trẻ ngủ li bì, biếng chơi, lừ đừ, mặt không lanh lợi như trước, hay bứt rứt, có lúc trẻ trợn mắt, gồng nhẹ rồi tự hết... Nếu trẻ sốt cao, thở mệt, co giật, hôn mê rất dễ dẫn tới tử vong. Vì vậy, trẻ cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để giảm thiểu nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng chậm phát triển, bại não, động kinh cho trẻ.

Các chuyên gia cho biết, viêm não cấp ở trẻ là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính hệ thần kinh trung ương, do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng chủ yếu là virus, là bệnh cảnh nặng nề, có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng hoặc để lại di chứng. 

Do vậy, để tránh nguy cơ nhiễm bệnh, tử vong hoặc gặp phải di chứng nặng nề, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm phòng vaccine đúng lịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Ngoài ra, cần hướng dẫn trẻ thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng; vệ sinh nơi ở và nơi làm việc thông thoáng. Nếu trẻ có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, cổ cứng, nổi ban đỏ… cần cho trẻ đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính chung 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có 110 trường hợp bị viêm não virus, trong đó có 3 người tử vong. Có 8 ca viêm màng não do não mô cầu. Viêm não do virus là bệnh nguy hiểm, do nhiều loại virus gây nên. Một số chủng virus gây bệnh viêm não như: Nhóm Arbovirus lây truyền qua các loại côn trùng trung gian như muỗi, bọ chét, ve... Trong nhóm này, nổi bật nhất là virus gây viêm não Nhật Bản. Do đó, bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm đủ các loại vaccine phòng viêm não, viêm màng não đã có như vaccine viêm não Nhật Bản, vaccine phế cầu, vaccine 6 trong 1…

Theo Sức khỏe và Đời sống

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần cảnh giác với viêm não cấp ở trẻ