Tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên không tự nhiên mà có, mà phải do quá trình tự tu dưỡng, rèn luyện hằng ngày, thông qua quá trình phấn đấu không ngừng mới có.
Đại hội XIII của Đảng xác định rõ phương thức lãnh đạo của Đảng bằng việc nêu gương và đặt ra yêu cầu rất cao về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên. Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo và người đứng đầu các cấp; cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, kết hợp với phát huy vai trò giám sát của báo chí và nhân dân đối với việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Điều này đặt ra những yêu cầu cao hơn về trách nhiệm nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng các cấp ủy Đảng.
Dẫn chứng ra hàng loạt cán bộ, đảng viên vừa bị xử lý kỷ luật vì lơ là, thậm chí là vi phạm những quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp như là việc miễn nhiệm Giám đốc Sở Du lịch Bình Định vì chơi golf trong khi đang giãn cách xã hội, nhiều cán bộ ở nhiều địa phương khác cũng bị xử lý kỷ luật vì những vi phạm trong công tác phòng chống dịch, ông Nguyễn Viết Chức, Hội đồng tư vấn văn hóa, MTTQ Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh các lực lượng chức năng trong cả nước đang ngày đêm nỗ lực chống dịch thì tiếc rằng trong thực tế lại có một số trường hợp đáng chê trách như vậy.
“Tất cả những trường hợp đó đã bị xử lý kịp thời. Tôi hoan nghênh tinh thần quyết tâm như thế. Hy vọng việc xử lý này sẽ cảnh tỉnh những ai còn đứng ngoài cuộc, còn thờ ơ với vấn đề rất hệ trọng có tính toàn cầu như thế. Dịch bệnh đã gây những tổn hại rất lớn mà vẫn còn thờ ơ thì không thể chấp nhận được”, ông Nguyễn Viết Chức nói.
Nhấn mạnh như vậy, ông Nguyễn Viết Chức cũng cho rằng qua sự việc này cho thấy chủ trương đúng của Đảng ta được quy định tại nhiều văn bản, như Quy định 08 của Ban Chấp hành Trung ương “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Quy định đã chỉ rõ 8 nội dung mà lãnh đạo cấp cao phải gương mẫu đi đầu thực hiện và 8 nội dung phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống tham nhũng, đồng thời yêu cầu cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu tiếp nối mạch nguồn đó.
Giáo sư Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: Đại hội XIII của Đảng xác định rõ phương thức lãnh đạo của Đảng bằng việc nêu gương và đặt ra yêu cầu rất cao về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên. Trước hết là cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là cấp chiến lược, theo đó sự nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo sẽ có sức lan tỏa rất lớn, huy động được nhân dân tự giác tham gia các phong trào cách mạng thì việc gì cũng thành công.
“Cán bộ lãnh đạo các cấp từ trung ương đến địa phương mà thật sự gương mẫu thì sẽ có trao đổi rất tích cực đến tình cảm niềm tin và noi theo của nhân dân. Việc tuyên truyền mạnh nêu gương của cán bộ đảng viên, cán bộ chủ chốt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, làm tốt thì sẽ có tác dụng rất lớn”, GS. Phùng Hữu Phú nêu rõ.
Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, bên cạnh những quy định về việc nêu gương, những việc đảng viên không được làm thì trước hết mỗi cán bộ đảng viên cũng cần phải tự trau dồi, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, đạo đức. Chúng ta đã nói nhiều về nêu gương của cán bộ, đảng viên nhưng chưa đề cập nhiều đến việc tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên không tự nhiên mà có, mà phải do quá trình tự tu dưỡng, rèn luyện hằng ngày, thông qua quá trình phấn đấu không ngừng mới có. Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ, phong cách, tác phong, lề lối công tác để nhân dân noi theo.
“Muốn tốt đẹp hơn phải tu dưỡng thường xuyên, tự rèn luyện, tự tu dưỡng là rất quan trọng. Đó là một nửa của vấn đề liên quan đến đạo đức thôi, một nửa của vấn đề liên quan đến trình độ chuyên môn, thì còn phải rèn luyện cả về mặt kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ. Rèn luyện có ý nghĩa quan trọng là như vậy”, TS. Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh thêm.
Thực tế cho thấy, khi mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cấp uỷ thực sự gương mẫu đi đầu trong nêu gương và tự giác nêu gương sẽ tạo sức lan tỏa, sự lôi cuốn mạnh mẽ đối với quần chúng nhân dân như lời dạy của Bác: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Yêu cầu này khẳng định một trong những phương thức lãnh đạo đúng đắn của Đảng là “tự giác nêu gương” của cán bộ, đảng viên, Đảng lãnh đạo bằng hành động gương mẫu của đảng viên và coi đó là một phương thức lãnh đạo quan trọng.
Theo VOV