Cán bộ Đoàn quá tuổi về đâu?

10/05/2015 08:04

Hết tuổi Đoàn vẫn làm công tác Đoàn, khó chuyển sang vị trí công tác khác phù hợp là bài toán khó giải đối với Đoàn Thanh niên nói chung và nhiều địa phương nói riêng...



Một số Bí thư Đoàn quá tuổi khá vất vả trong việc huy động đoàn viên
thanh niên tham gia sinh hoạt đoàn

Theo Quyết định 289-QĐ/TW ngày 8-2-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về quy chế cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bí thư đoàn cơ sở giữ chức vụ không quá 35 tuổi. Tuy nhiên, thực tế ở nhiều địa phương, việc bố trí, sử dụng cán bộ Đoàn khi đã quá tuổi gặp nhiều khó khăn.

Hết tuổi Đoàn vẫn làm công tác Đoàn

Anh Nguyễn Văn Khải, sinh năm 1976, hiện là Bí thư Đoàn xã Việt Hưng (Kim Thành). Anh Khải tham gia công tác Đoàn từ năm 1999. Ban đầu anh làm Bí thư Chi đoàn 3, thôn Phương Khê; năm 2003 làm Phó Bí thư Đoàn xã và năm 2007 làm Bí thư. Năm nào anh Khải cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sau 16 năm tham gia công tác Đoàn, anh Khải cho biết: “Tôi có thời gian dài gắn bó với Đoàn Thanh niên nên có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức phong trào, tập hợp thanh niên tại địa phương. Tuy nhiên, để các hoạt động của Đoàn sôi nổi cần có lãnh đạo đoàn trẻ, phù hợp với lứa tuổi trong khi bản thân tôi tuổi ngày càng nhiều nên khi tiếp xúc với lớp trẻ tôi thấy mình giảm bớt nhiệt huyết”. Hiện tại, xã Việt Hưng không thiếu vị trí nào cần bổ nhiệm, hoặc luân chuyển. Đối với anh Khải, nếu luân chuyển công tác, hoặc bổ nhiệm vào chức danh khác cần có người chuyển công tác hoặc nghỉ hưu. Vì thế rất khó để anh luân chuyển vị trí làm việc.

Không chỉ anh Khải mà anh Nguyễn Xuân Khởi, sinh năm 1975, hiện đang là Bí thư Đoàn xã Tân An (Thanh Hà) cũng là một trong những trường hợp “dở khóc dở cười” như vậy. Anh Khởi tham gia công tác Đoàn đến nay đã được 21 năm. Ở tuổi 40, nhiều bạn bè đã có chỗ đứng trong xã hội, ai lấy vợ sớm thì con cái cũng học cấp 3 hoặc đã học đại học, còn anh Khởi vẫn miệt mài với công tác Đoàn, Đội. Mỗi kỳ nghỉ hè, phải vất vả lắm anh mới huy động được đủ đoàn viên, thanh thiếu niên tham gia sinh hoạt hè tại địa phương.

Theo thống kê của Tỉnh đoàn, toàn tỉnh hiện có 14 cán bộ Đoàn quá tuổi. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của chúng tôi, con số này có thể nhiều hơn. Các cán bộ Đoàn quá tuổi đều mong muốn được trưởng thành đoàn để chuyển sang vị trí công tác khác phù hợp hơn. Tuy nhiên, đây vẫn là bài toán khó giải đối với Đoàn Thanh niên nói chung và nhiều địa phương nói riêng.

Vì sao?   

Hiện nay, số lượng biên chế cấp xã đã cố định. Chỉ khi nào đội ngũ cán bộ lớp trước đến tuổi nghỉ hưu thì mới bố trí được chỗ thay thế, nhưng việc thay thế nhiều khi không ưu tiên cán bộ Đoàn mà lại ưu tiên các trường hợp khác nên mới có tình trạng nhiều Bí thư Đoàn xã vẫn “dậm chân tại chỗ” qua 2-3 nhiệm kỳ. Anh Nguyễn Quang Ngọc, Bí thư Huyện đoàn Thanh Hà cho biết: “Có rất nhiều khó khăn trong việc luân chuyển công tác cho cán bộ Đoàn, nhất là Bí thư Đoàn cơ sở. Việc luân chuyển đòi hỏi Bí thư Đoàn xã phải có 60 tháng công tác, có trình độ, năng lực tốt và phụ thuộc nhu cầu địa phương. Nếu địa phương nào thiếu, Ban Thường vụ Huyện đoàn sẽ trực tiếp đến trao đổi với Đảng ủy xã để tạo điều kiện cho cán bộ Đoàn quá tuổi luân chuyển…”.



Trẻ hóa đội ngũ cán bộ Đoàn sẽ thúc đẩy phong trào của tuổi trẻ

Đối với Bí thư Đoàn quá tuổi luân chuyển đã khó, thì Phó Bí thư Đoàn còn khó hơn. Nhiều trường hợp, Bí thư Đoàn xã sinh năm 1975, còn Phó Bí thư Đoàn sinh năm 1976 hoặc 1979. Họ đều là những người có thâm niên trong công tác Đoàn, có nhiều thành tích và giàu nhiệt huyết. Nếu sắp xếp được vị trí luân chuyển cho Bí thư Đoàn thì phải bổ nhiệm Phó Bí thư lên làm Bí thư Đoàn, trong khi họ đều quá tuổi hoặc sắp hết tuổi đoàn. Anh Nguyễn Văn Thế, Trưởng ban Tổ chức kiểm tra Tỉnh đoàn cho biết: Năm 2014, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã đề nghị Tỉnh ủy tạo điều kiện luân chuyển cán bộ Đoàn trước Đại hội Đảng. Tuy nhiên quan trọng vẫn là ở cơ sở. Nghị định số 121/2003/NĐ-CP quy định cụ thể số lượng cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã chỉ từ 17-25 người. Chính quyền địa phương còn lúng túng trong công tác quy hoạch cán bộ hoặc thiếu nguồn để quy hoạch, cấp ủy chưa quan tâm sâu sắc đến đội ngũ cán bộ Đoàn. Phải chờ thế hệ cán bộ trước nghỉ hưu thì cán bộ Đoàn xã “may ra” mới được luân chuyển. Bên cạnh đó, cán bộ Đoàn khi luân chuyển chức danh khác, phù hợp hơn còn đòi hỏi có chuyên môn, nghiệp vụ, trong khi trình độ của một số cán bộ Đoàn xã hạn chế. Theo quy định, cán bộ Đoàn cơ sở phải có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, song hiện tại nhiều cán bộ Đoàn chỉ có trình độ 12/12, nhưng trong quá trình công tác lại chưa có thời gian để học, nâng cao trình độ đáp ứng các tiêu chí về chức danh công chức cấp xã.

Giải pháp để khắc phục tình trạng này trước hết bắt đầu từ địa phương. Các địa phương cần có kế hoạch quy hoạch cán bộ cụ thể; tạo điều kiện để bồi dưỡng, nâng cao năng lực làm việc cho đội ngũ cán bộ, trẻ hóa cán bộ, đặc biệt là cán bộ Đoàn. Bên cạnh đó, bản thân người tham gia công tác Đoàn cần tự khẳng định vươn lên, nâng cao trình độ để được bố trí vào vị trí mới.

MINH NGUYÊN


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cán bộ Đoàn quá tuổi về đâu?