Năm 1950, Bác Hồ lên đường ra chiến dịch. Là Chủ tịch nước, tuy tuổi đã 60, nhưng Bác không muốn chỉ ở hậu phương chăm lo công việc.
Bác thương chiến sĩ, thương dân công, muốn giúp đỡ bộ đội, cán bộ, để giành thắng lợi chắc chắn cho chiến dịch quan trọng này nên Bác ra mặt trận. Tự coi mình là một chiến sĩ, Bác từ chối không đi ngựa, Bác tự mang vác lấy đồ dùng, tài liệu, tìm lá ngụy trang, đào hố… coi đó là quyền được lao động của mình.
Dân công ra tiền tuyến, vai người nào cũng khiêng đạn nặng trĩu, gánh sọt lương thực oằn đòn gánh. Và ai cũng còn quấn quanh mình một ruột tượng gạo to. Bộ đội thì vai vác súng, quàng thêm bao gạo, lưng còn đeo nào lựu đạn, nào túi đạn…
Một buổi sáng, đoàn “phụ tử binh” của Bác gặp một người. Anh ta đeo một xà cột nhỏ, bên sườn là một khẩu súng ngắn. Sau lưng là một chiếc ba lô, vừa nhỏ, vừa xinh, vừa lép kẹp. Một mảnh vải dù phấp phới trên vai, tay vung vẩy một chiếc gậy nhỏ. Không thấy quấn bao gạo: Anh ta bước nhẹ tênh.
Bác dừng lại, nhìn theo người đó, vẻ mặt không vui. Hồi lâu, Bác nói:
- Cán bộ đấy!
Đồng chí Đội trưởng cảnh vệ nhìn Bác vừa thương Bác vừa xót xa cho cái ông cán bộ không biết làm gương, không làm được điều mà đến như Chủ tịch nước vẫn đang làm khi đã là một người lính ra mặt trận!
Dân chủ mà thành “quan chủ”
Ngay từ khi chưa giành được chính quyền, Bác Hồ đã dự báo trước căn bệnh “quan liêu” sẽ xuất hiện, sẽ làm xói mòn “cơ thể” một số cán bộ, một số cơ chế tổ chức, dẫn đến tai hại cho cả một xã hội.
Hôm đầu tiên về Hà Nội, tháng 8 - 1945, Bác đã nhắc khéo một vài “quý vị” “đã ra vẻ người thành phố, ra vẻ cán bộ rồi đấy”. Trong kháng chiến chống Pháp, trong sách “Sửa đổi lối làm việc” hay mỗi khi có hội nghị, gặp gỡ cán bộ cấp cao ở Trung ương, cấp cuối cùng ở thôn xã, bao giờ Bác cũng nhắc “cán bộ là đầy tớ của nhân dân”. Bác nghiêm khắc phê bình lối làm việc “quan liêu mệnh lệnh, xa rời quần chúng” lên mặt quan cách mạng “khắc hai chữ Cộng sản lên trán” ra vẻ ta đây…
Hòa bình lập lại trên miền Bắc được vài năm, ở Hà Nội xuất hiện chế độ tem phiếu. Những bà nội trợ trong thời gian ấy cứ bù đầu lên vì những phiếu, những số A, B, C, 1, 2, 3… Có những ông chồng giáo sư, bác sĩ… cứ nghe “đức phu nhân” trình bày “giá trị, tác dụng” của các ô giấy nhỏ ấy cũng lắc đầu lảng tránh “tôi xin chịu… không hiểu nổi, không nhớ nổi”…
Có phiếu bìa đỏ mua ở cửa hàng cung cấp cho cán bộ “cao”, bìa xanh cho cán bộ “vừa”, bìa trắng cho nhân dân… Lại có bìa mua ở cửa hàng đặc biệt. Lại còn bìa dành cho cán bộ được mua ở cửa hàng quốc tế mặc dù có cán bộ “cả đời” cũng không bước chân vào xem trong đó có gì - có thể vì không thích, vì không đủ tiền; trong khi đó có một loại “con buôn” lại vào, ra “thì thọt” kiếm chác được!
Tháng 5 -1969 trong một lần làm việc với một nhà khoa học, những vấn đề tem phiếu cho các cấp “quan cán bộ” ấy đã được Bác lắng nghe. Bác yêu cầu cho dẫn chứng cụ thể các thể thức bán hàng, phục vụ quá phiền phức tại Hà Nội.
Bác không vui quay lại hỏi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Nội thương. Bác lại hỏi Bí thư Thành ủy Hà Nội. Biết chắc chắn tình hình đó đã có khá lâu, Bác lắc đầu:
- Dân chủ mà thành ra quan chủ. Hà Nội mà còn nhiều quan như vậy sao!
Tất cả từ Thủ tướng đến nhà khoa học ngồi im nghẹn ngào, xúc động không trả lời được Bác.