Cán bộ, đảng viên kỳ vọng vào kết quả Hội nghị Trung ương 11

13/10/2019 07:14

Sau 1 tuần làm việc, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã bế mạc.


PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Cán bộ, đảng viên và nhân dân kỳ vọng vào nhiều nội dung được Trung ương bàn luận lần này, trong đó có vấn đề lớn là chuẩn bị các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng Văn kiện và nhân sự là 2 vấn đề hệ trọng. Tại hội nghị này, Trung ương đã thảo luận, cho ý kiến chuẩn bị các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Giành sự quan tâm đến việc Trung ương thảo luận về tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc cho biết: “Trung ương họp lần thứ 11 bàn về các văn kiện. Bây giờ qua 10 năm, nhìn lại xa hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 thì có thêm những nhận thức mới gì? Thực tiễn 10 năm xây dựng Chủ nghĩa xã hội theo Cương lĩnh bổ sung phát triển năm 2011 có bổ sung những vấn đề gì? Có gì mới? Trong Cương lĩnh 2011 có 8 đặc trưng xã hội XHCN ở Việt Nam. 8 phương hướng mà cương lĩnh 2011 nêu ra thì giờ có thêm gì mới. Hay trong từng phương hướng ấy bổ sung, nhấn mạnh gì cho phù hợp với thực tiễn phát triển”.

Tin tưởng nhiệm kỳ 5 năm tới sẽ tiếp tục bước phát triển nhưng mang ý nghĩa đột phá sáng tạo trên tổng thể các phương diện, trước hết về tư duy, tầm nhìn chiến lược và sự tìm tòi sáng tạo các định chế, quyết sách chiến lược, ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng các văn kiện trình Đại hội XIII phải thể hiện tinh thần tiếp tục chăm lo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước và cả hệ thống chính trị; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Ông Đỗ Duy Thường nhấn mạnh: “Tiếp tục thể chế hóa quyền dân chủ trực tiếp, quyền dân chủ đại diện, để phát huy được sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh quyền làm chủ của nhân dân. Dự thảo Văn kiện lần này cần nhấn mạnh việc cụ thể hóa cơ chế về dân chủ trực tiếp của người dân, nhất là làm sao để tiếp tục triển khai thực hiện cụ thể hóa quy chế dân chủ ở cơ sở”.

Dư luận cũng chú ý đến việc Ban Chấp hành Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với 2 cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn. Khẳng định, với những sai phạm của 2 cựu bộ trưởng, việc xem xét, thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng là thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, sự kiên quyết của Đảng, Nhà nước với cuộc chiến chống tham nhũng.

Ông Đỗ Văn Khiêu, thành viên Câu Lạc bộ Thăng Long (Hà Nội) nhận định: “Việc khai trừ khỏi Đảng với 2 cựu Bộ trưởng lNguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn thể hiện nghiêm minh, kiên quyết của Đảng, không có vùng cấm. Không cứ gì mà các ông này cố tình vi phạm, vì trục lợi ích cá nhân. Chính là lợi ích nhóm mà cố tình làm để kiếm lợi. Đặc biệt, ông Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ 3 triệu USD tiền mặt. Nó cũng thể hiện cuộc chống tham nhũng của Đảng không có điểm dừng, không nghỉ, không buông lỏng, làm tới cùng”.

Theo VOV

(0) Bình luận
Cán bộ, đảng viên kỳ vọng vào kết quả Hội nghị Trung ương 11