Cán bộ, công chức vướng kỷ luật sẽ bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ

17/07/2023 18:59

Nghị định mới của Chính phủ quy định cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính trong năm đánh giá thì xếp loại ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

Ngày 17.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Nghị định 48 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 90/2020 về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ công chức, viên chức.

Theo đó, Nghị định bổ sung khoản 5, 6 vào khoản 4 Điều 2 của Nghị định cũ.

Cụ thể, nghị định mới quy định cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính trong năm đánh giá thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.


Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ"

Trường hợp hành vi vi phạm chưa có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền nhưng đã được dùng làm căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì quyết định xử lý kỷ luật ban hành sau năm đánh giá đối với hành vi vi phạm đó (nếu có) không được tính để đánh giá, xếp loại chất lượng ở năm có quyết định xử lý kỷ luật.

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên, đã bị xử lý kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính về cùng một hành vi vi phạm nhưng quyết định kỷ luật đảng và quyết định kỷ luật hành chính không có hiệu lực trong cùng năm đánh giá thì chỉ tính là căn cứ xếp loại chất lượng ở một năm đánh giá.

Nghị định cũng quy định tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại cùng cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".

Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thành tích xuất sắc, nổi trội, hoàn thành vượt kế hoạch các công việc được giao, hoàn thành tốt các công việc đột xuất, có đề xuất hoặc tổ chức thực hiện đổi mới sáng tạo, tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực thì cấp có thẩm quyền quyết định tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phù hợp với thực tế, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức.

Khuyến khích áp dụng công nghệ để đánh giá, xếp loại 

Ngoài ra, nghị định cũng sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 của Nghị định 90 về căn cứ quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức về đánh giá, xếp loại chất lượng, cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức ban hành Quy chế đánh giá phù hợp với đặc thù của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

Nội dung quy chế phải xác định rõ sản phẩm cụ thể gắn với từng vị trí việc làm, tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả, thời điểm đánh giá theo quý, tháng hoặc tuần (nếu có).

Căn cứ để xác định tỉ lệ % mức độ hoàn thành công việc; các tiêu chí thành phần để đánh giá và xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có tính đến tỷ lệ khối lượng công việc của cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện so với khối lượng công việc chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Quy định mới khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin để thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm phù hợp với các quy định tại nghị định này.

Việc đánh giá, xếp loại chất lượng đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu thực hiện theo quy định của pháp luật về cơ yếu và không trái với nguyên tắc đánh giá, xếp loại cán bộ của cấp có thẩm quyền.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15.9.2023. Các quy định trong nghị định này không xem xét lại đối với những trường hợp đã có kết quả xếp loại chất lượng trước ngày nghị định này có hiệu lực.

Trường hợp cấp có thẩm quyền thực hiện xem xét đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục áp dụng quy định của pháp luật tại thời điểm đó để thực hiện.

Theo Vietnamnet

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cán bộ, công chức vướng kỷ luật sẽ bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ