Trong quá trình loại bỏ các thiết bị an ninh do Trung Quốc sản xuất, Chính phủ Mỹ đã "hết hồn" khi mức độ xâm nhập của chúng ở mức họ chưa từng nghĩ tới.
Quá trình Chính phủ Mỹ loại bỏ các thiết bị an ninh của Trung Quốc cho thấy có nhiều lỗ hổng trong công tác bảo đảm an ninh. Ảnh: AFP
Hơn 2.700 camera Trung Quốc vẫn đang được sử dụng tại các căn cứ quân sự và trụ sở Chính phủ Mỹ. Một công ty Mỹ thậm chí còn tiếp tay khi "treo đầu dê bán thịt chó" khi nói rằng các camera này là do mình sản xuất nhưng trên thực tế là nhập khẩu từ Trung Quốc.
Sự việc chỉ bị phát hiện khi một binh sĩ tại một căn cứ không quân Mỹ thấy điều bất thường trên thân một camera: các ký tự Trung Quốc và một logo lạ mà sau đó anh biết rằng nó là logo của Bộ Công an Trung Quốc.
Những chi tiết này được tạp chí Wall Street Journal (WSJ) phát hiện trong một đơn kiện nộp lên tòa liên bang Mỹ ngày 7.11.
Lần theo manh mối, các nhà điều tra khẳng định một công ty có trụ sở tại Long Island (New York) đã nhập camera và các thiết bị an ninh khác từ Trung Quốc rồi tuyên bố rằng do họ sản xuất khi đấu thầu cho quân đội và Chính phủ Mỹ.
Trong số những thiết bị được sản xuất tại Trung Quốc mà công ty này đã bán, có một camera laser tăng cường tầm nhìn ban đêm trị giá 13.000 USD được lắp tại một căn cứ tàu ngầm ở Connecticut; 25 camera giám sát tại một căn cứ không quân và các cửa quay tự động trị giá 156.000 USD tại một văn phòng của Bộ Năng lượng Mỹ ở Tennessee.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt lệnh cấm mua thiết bị từ các công ty Trung Quốc bị liệt vào danh sách đe dọa an ninh quốc gia.
Các công tố viên liên bang ở Brooklyn cáo buộc công ty ở Long Island nói trên đã kiếm được 88 triệu USD từ việc bán các thiết bị giám sát Trung Quốc, bao gồm hợp đồng 20 triệu USD với Chính phủ. 6 người thuộc công ty này đã bị bắt giữ vào chiều 6.11, báo WSJ cho biết thêm.
Vụ việc xảy ra chỉ vài ngày sau khi thượng nghị sĩ Marco Rubio, một người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, yêu cầu Bộ Quốc phòng cần nhanh chóng loại bỏ các thiết bị Trung Quốc đã mua và lắp đặt trong những năm trước.
Trong thư đề ngày 6.11 được gửi đến Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, ông Rubio cho rằng các thiết bị do Hikvision và Dahua - hai công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen, vẫn còn hiện diện tại các cơ sở quân sự trên khắp nước Mỹ.
Hikvision, tập đoàn sản xuất camera giám sát lớn nhất thế giới, vẫn im lặng trước các thông tin từ Mỹ.
Theo Tuổi trẻ