Cẩm Sơn đổi mới

05/05/2014 07:42

Đảng bộ và nhân dân Cẩm Sơn luôn kiên cường, bất khuất trong chống giặc ngoại xâm, xung kích trên mặt trận kinh tế để dựng xây quê hương giàu đẹp...



Xã Cẩm Sơn đã đạt 15 trong tổng số 19 tiêu chí nông thôn mới


Cẩm Sơn vốn là mảnh đất "tiền tiêu" trong kháng chiến chống Pháp, là trọng điểm bắn phá của giặc Mỹ, rồi lại thực hiện cuộc di dân đầy khó khăn vào những năm 70 của thế kỷ trước. Nhưng vượt trên mọi hoàn cảnh, Đảng bộ và nhân dân Cẩm Sơn luôn kiên cường, bất khuất trong chống giặc ngoại xâm, xung kích trên mặt trận kinh tế để dựng xây quê hương giàu đẹp.


Anh dũng trong kháng chiến

Lịch sử hình thành và phát triển của Cẩm Sơn có nhiều đặc thù riêng, không giống như nhiều địa phương khác. Cẩm Sơn vốn là vùng đất ngoài đê sông Thái Bình, trước năm 1889 thuộc huyện Lương Tài (Bắc Ninh). Năm 1889, Cẩm Sơn lúc ấy có tên gọi tổng Yên Trang được sáp nhập vào huyện Cẩm Giàng (Hải Dương). Đến năm 1946, tổng Yên Trang sáp nhập với Tổng Văn Thai (gồm 5 xã trong đê) và đổi tên là xã Tuệ Tĩnh. Năm 1948, xã lại tách ra và đổi tên thành Hải Triều. 8 năm sau, xã chính thức đổi tên thành Cẩm Sơn. Một nét riêng nữa trong lịch sử hình thành và phát triển của Cẩm Sơn là năm 1973, thực hiện chủ trương giải phóng lòng sông, khơi thông dòng chảy của Chính phủ, nhân dân trong xã đã di dời vào sâu trong nội đồng, cách vị trí cũ khoảng 7 km.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Cẩm Sơn được coi là cửa ngõ đường sông từ TP Hải Dương về huyện Cẩm Giàng. Đây là địa bàn trọng yếu tàu bè và ca nô của quân Pháp thường đi qua chở hàng hóa, binh lính đánh phá Cẩm Giàng và các vùng lân cận. Địch thường xuyên mở các cuộc càn quét, cướp phá nhà dân, lập vành đai trắng. Trong những năm tháng đầy gian khổ, hy sinh ấy, nhân dân Cẩm Sơn dưới sự lãnh đạo của Đảng đã kiên cường bám trụ, đối đầu với những trận càn của địch. Năm 1947, cả xã đã huy động được hơn 12 nghìn cây tre, gỗ và hàng nghìn ngày công cắm kè ngăn sông Thái Bình làm rào cản ca nô địch. Từ năm 1948 đến 1950, Chi bộ xã Hải Triều đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh, biến vùng địch tạm chiến làm căn cứ kháng chiến của ta. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Cẩm Sơn đã ngăn chặn 150 lượt địch về nông thôn gây dựng cơ sở để phá hoại cách mạng; 250 vụ chống giặc cướp phá, bảo vệ tài sản của nhân dân; hàng chục lần tự tổ chức và phối hợp với bộ đội chủ lực của huyện đánh phá đồn bốt, tháp canh của địch, triệt phá ổ nhóm phản động của tên đội Thân khét tiếng hiểm ác...

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Cẩm Sơn là hậu phương vững chắc chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Toàn xã có 369 thanh niên lên đường nhập ngũ. Ở địa phương, nhân dân dốc lòng chi viện cho miền Nam gần 500 tấn lương thực, thực phẩm các loại...  Năm 1967, khi giặc Mỹ ném bom phá hoại kho xăng dầu sơ tán của Chi cục Xăng dầu Hải Phòng về xã, quân và dân Cẩm Sơn đã anh dũng chống trả, tìm mọi biện pháp dập lửa, bảo vệ được tài sản của Nhà nước. Kết thúc chiến tranh, Cẩm Sơn được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhì. Năm 2003, Cẩm Sơn được Chủ tịch nước tặng danh hiệu: "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" thời kỳ chống Mỹ.

Dẫn đầu xây dựng nông thôn mới

Trong công cuộc đổi mới, Cẩm Sơn gặp rất nhiều khó khăn, bởi là xã thuần nông lại nằm cách xa trung tâm huyện và các tuyến quốc lộ giao thông huyết mạch. Phát huy ý chí kiên cường trong chiến đấu, Đảng bộ và nhân dân Cẩm Sơn quyết nỗ lực, đồng lòng chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp. Đặc biệt là từ năm 2011, khi xã được chọn là 1 trong 5 xã điểm của huyện xây dựng nông thôn mới (NTM). Xác định đây là cơ hội để quê hương đột phá đi lên, Cẩm Sơn náo nức khẩn trương vào cuộc trên mọi mặt trận. So sánh với các tiêu chí NTM, Cẩm Sơn khi ấy còn thiếu rất nhiều hoặc mới ở mức xấp xỉ đạt được như: hệ thống đường giao thông nông thôn, điện, cơ sở vật chất văn hóa, cơ cấu lao động, tỷ lệ hộ nghèo... Bắt tay vào thực hiện đề án, các cấp ủy, chính quyền ở Cẩm Sơn xác định rõ mục tiêu phải tranh thủ hiệu quả nhất mọi sự giúp đỡ từ cấp trên. Với phương châm lấy nông nghiệp là mặt trận hàng đầu để phát triển kinh tế, xã đã phối hợp mở các lớp tập huấn phổ biến kỹ thuật nuôi thủy sản, trồng các loại cây thực phẩm, hoa màu cho hàng nghìn lượt cán bộ và nhân dân trong xã, đồng thời quy hoạch vùng sản xuất tập trung cây hàng hóa giá trị kinh tế cao với diện tích 28 ha. Mỗi tổ chức, đoàn thể được phân công gắn với những phần việc cụ thể như: Hội Nông dân tập trung giải quyết các chính sách về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, phát động nông dân thi đua sản xuất; Hội Phụ nữ đẩy mạnh phong trào tích cực học tập sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc gắn với xây dựng NTM; Hội Cựu chiến binh phát huy tinh thần dân chủ, giám sát chặt chẽ các công trình xây dựng công cộng... Chủ trương hợp lòng dân cùng với cách làm phù hợp với đặc thù của địa phương đã giúp Cẩm Sơn bứt phá mạnh mẽ, diện mạo làng quê đổi thay rõ rệt. Về Cẩm Sơn hôm nay những nếp nhà cao tầng nối nhau san sát, đường làng ngõ xóm phong quang... tất cả đều nói lên đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã được cải thiện.

Đồng chí Phạm Tiến Chiểu, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, sau 3 năm xây dựng NTM với tổng kinh phí thực hiện là hơn 28 tỷ đồng, đến nay Cẩm Sơn đã đạt được 15 trong tổng số 19 tiêu chí trong xây dựng NTM, là một trong 2 xã đạt nhiều tiêu chí nhất huyện. Số hộ khá và giàu chiếm hơn 65%, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,7%. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 20 triệu đồng/năm. Trong xã chỉ còn Trường Tiểu học chưa đạt chuẩn quốc gia do cơ sở vật chất chưa bảo đảm, tuy nhiên xã cũng đang tiến hành xây mới và sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Năm 2008, Trạm Y tế xã đã được công nhận chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được bảo đảm, 100% số cháu trong độ tuổi được tiêm phòng đầy đủ. Riêng năm 2013, Trạm Y tế xã đã khám và chữa bệnh cho hơn 2.170 lượt người. Năm 1997, Cẩm Sơn là xã đầu tiên trong huyện có tất cả các thôn đạt danh hiệu "Làng văn hóa" và giữ vững cho đến nay. Trong năm 2013, có 602 trong tổng số 667 hộ của xã đạt gia đình văn hóa (chiếm hơn 90%). Cẩm Sơn cũng đã được công nhận là địa phương thực hiện tốt mô hình xã, phường phù hợp với trẻ em...  Cụ Phạm Nguyễn Hãn (83 tuổi), người đã từng tham gia các phong trào cách mạng chống Pháp, chống Mỹ ở địa phương. Chứng kiến sự đổi thay của quê hương, cụ Hãn cười vui cho biết: "Mới ngày nào chúng tôi chuyển lên vùng đất mới, nhà cửa còn ngập trong nước lũ, vậy mà giờ đây, quê hương khang trang quá. Điện, đường, trường, trạm... cái gì cũng đầy đủ. Thế hệ trẻ được ăn học đàng hoàng".

Cẩm Sơn đang phấn đấu từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thiện nốt các tiêu chí NTM. Hiện  xã chỉ còn 4 tiêu chí phải phấn đấu là cứng hóa kênh mương nội đồng, trường học, thu nhập bình quân đầu người và môi trường. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Phạm Tiến Chiểu cho biết thêm, tất cả các phần việc để hoàn thiện các tiêu chí trên đang được chính quyền và nhân dân Cẩm Sơn tích cực triển khai. Hệ thống nước sạch đang được dẫn nối đến các hộ. Trường Tiểu học của xã đang xây dựng thêm phòng học mới. Trong vùng quy hoạch, nông dân đang được hướng dẫn trồng rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP...

THANH NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cẩm Sơn đổi mới