Hơn 2 năm qua, các cán bộ, nhân viên y tế của tỉnh đã phải nỗ lực hết mình trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, giúp Hải Dương đạt được nhiều kết quả quan trọng, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Trong cuộc chiến chống Covid -19, rất nhiều nhân viên y tế ở Hải Dương đã tình nguyện vào tâm dịch, tận tâm, tận lực làm việc bằng cả tinh thần, trách nhiệm với mục tiêu sức khỏe của nhân dân là trên hết
Hơn 2 năm qua ngành y tế Hải Dương phải đối diện với những khó khăn, thử thách chưa từng có trong lịch sử do Covid-19 gây ra. Y tế các tuyến từ thôn, khu dân cư đến xã, huyện, tỉnh đã phát huy hết tinh thần trách nhiệm, toàn tâm toàn lực cùng lực lượng quân đội, công an, tình nguyện xông pha nơi tuyến đầu chống dịch với mục tiêu cao cả là bảo vệ an toàn tính mạng và sức khỏe nhân dân.
Bác sĩ Hoàng Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Chí Linh vẫn nhớ khoảng thời gian Hải Dương là tâm dịch của cả nước. Thực hiện lời “hiệu triệu” của tỉnh, hàng nghìn nhân viên y tế, sinh viên ngành y từ khắp nơi đã đổ về Chí Linh. Họ ngày đêm quên ăn, quên ngủ, thần tốc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng, ngăn dịch lan rộng. Hàng trăm bác sĩ, điều dưỡng tình nguyện hăng hái vào khu điều trị F0, cách ly F1.
"Giữa cái nóng rát bỏng của mùa hè, mặt họ đỏ ửng, người ướt đẫm mồ hôi, đôi bàn tay nhăn nheo vì phải mặc đồ bảo hộ suốt cả ngày. Hình ảnh những “chiến sĩ áo trắng” gục xuống nền đất nghỉ ngơi vì kiệt sức trong lúc làm nhiệm vụ đã thực sự chạm tới trái tim của bao người và sẽ trở thành ký ức khó phai mờ", bác sĩ Lân chia sẻ.
Trong cuộc chiến chống Covid-19, có rất nhiều cán bộ, nhân viên ngành y đã làm việc gấp nhiều lần sức lực của mình. Họ lặng lẽ khắc phục khó khăn, hy sinh bản thân để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Câu chuyện về chị Nguyễn Thị Tình, nhân viên Trạm Y tế xã Văn Tố (Tứ Kỳ) có hai con nhỏ, chồng vắng nhà nhưng vẫn tình nguyện đi trực chốt rồi không may gặp tai nạn tử vong đã lấy đi nước mắt của biết bao người. Cùng với đó là những câu chuyện đầy xúc động về không ít trường hợp cả hai vợ chồng là nhân viên y tế cùng đi chống dịch dài ngày, để con thơ ở nhà tự lo liệu cuộc sống, bảo ban nhau học hành hoặc gửi nhờ người thân chăm sóc. Đó còn là những câu chuyện về những nhân viên y tế tình nguyện ở trong bệnh viện làm nhiệm vụ điều trị F0 nhiều tháng trời ròng rã, không về nhà khi bố mẹ ốm đau, người thân có chuyện vui buồn và để vợ, chồng, con cái, người yêu phải khắc khoải nhớ mong. Có những nhân viên y tế cơ sở, dù cách nhà chỉ vài bước chân nhưng nhiều tuần không về nhà vì phải ở lại cơ quan làm nhiệm vụ chống dịch. Nhiều nhân viên y tế 2 cái Tết đã qua chẳng được sum vầy bên gia đình. Và, cũng thật cảm động khi hàng trăm nhân viên y tế dù đã nghỉ hưu nhưng khi quê hương gặp khó đã xung phong quay trở lại tham gia chống dịch...
Chị Vương Quỳnh Mai (Nam Sách) cho biết: "Bình thường chúng tôi làm việc liên tục trong mấy ngày là đã thấy oải, thế mà các nhân viên y tế phải làm việc vất vả, áp lực suốt hơn 2 năm qua vì nhân dân. Tinh thần, trách nhiệm của họ thật đáng ngưỡng mộ".
Hơn 2 năm qua, các "chiến sĩ áo trắng" ở Hải Dương đã nỗ lực hết mình trong cuộc chiến chống Covid-19
Dịch bệnh trong tỉnh được kiểm soát, nghe theo mệnh lệnh của trái tim, hàng trăm lượt cán bộ, nhân viên y tế, sinh viên trường y, dược Hải Dương lại tạm xa gia đình, gác bút nghiên hăng hái lên đường đến các “điểm nóng” về dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương hỗ trợ dập dịch. Đối diện với những núi việc khổng lồ, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn nhưng những "chiến sĩ áo trắng" của xứ Đông vẫn nỗ lực hết mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 89 ngày chống dịch ở thành phố mang tên Bác, họ đã giành lại sự sống cho nhiều F0 giữa lằn ranh sinh tử. Họ đem tâm huyết, kinh nghiệm của mình giúp tỉnh bạn bố trí phương án điều trị F0 hiệu quả, đỡ tốn kém nhân lực. Làm việc dài ngày trong môi trường nguy hiểm, căng thẳng, nhiều người trong số họ đã trở thành F0, giảm cân. Có người vì quá mệt mỏi đã ngất đi trong lúc làm nhiệm vụ nhưng khi tỉnh lại thì tiếp tục bắt tay vào chăm sóc bệnh nhân... Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Trung Chính, người đã bám sát các đoàn quân tình nguyện của tỉnh đi hỗ trợ các tỉnh bạn chống dịch nhấn mạnh: "Những gì họ làm đã góp phần tô thắm thêm truyền thống văn hóa tốt đẹp của người xứ Đông".
Từ tháng 10.2021 đến nay, Hải Dương cùng cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ. Nghị quyết đã giúp cuộc sống của người dân trở lại trong trạng thái bình thường mới, kinh tế - xã hội phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, số ca mắc Covid-19 thời gian qua liên tục tăng cao, nhiều bệnh nhân nặng nhập viện. Các nhân viên y tế khắp các tuyến trong tỉnh lại đối diện với những khó khăn, thách thức mới. Mặc dù vậy, bằng tinh thần, trách nhiệm và kinh nghiệm “trận mạc” được rèn giũa trong những đợt dịch đã qua, họ vẫn đang từng ngày làm tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Có kể và nói bao nhiêu lời cảm ơn cũng không đủ lột tả hết sự hy sinh thầm lặng của nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch. Đóng góp của họ đã giúp Hải Dương đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phòng chống dịch, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
"Những đóng góp thầm lặng của các cán bộ, nhân viên ngành y tế đã và đang cống hiến cho sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân sẽ luôn được các cấp, ngành và nhân dân ghi nhận", đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.
Gặp mặt cán bộ ngành y tế nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2 Chiều 26.2, UBND tỉnh sẽ tổ chức hội nghị gặp mặt cán bộ ngành y tế nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2, tại Trung tâm Văn hóa Xứ Đông (TP Hải Dương). |
TIẾN MẠNH
Chạm tới trái tim Trong những lần đi thăm, tặng quà các lực lượng tuyến đầu chống dịch, tôi thực sự ấn tượng và cảm phục tinh thần của lực lượng nhân viên y tế trẻ tình nguyện. Có những người dù có con nhỏ nhưng vẫn tình nguyện trực chốt kiểm soát dịch, chăm sóc, hỗ trợ F0, F1 tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly hàng tháng trời. Hình ảnh những nhân viên y tế tham gia lấy mẫu, truy vết từ ngày này qua ngày khác, làm việc cả ban đêm, mồ hôi nhễ nhại trong bộ đồ bảo hộ, cơm ăn không đúng bữa, dựa nhau ngồi ngủ tại sân nhà văn hoá khi thấm mệt... để mong sớm đẩy lùi dịch bệnh mà thật xúc động. NGUYỄN HỒNG SÁNG
NGUYỄN VĂN CÔNG
VŨ XUÂN ĐẠT |