Năm 2023, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) đã định hình thêm 50 vùng sản xuất nông nghiệp theo mô hình chuyên canh...
50 mô hình mới có tổng diện tích canh tác 272 ha, được triển khai ở các xã, thị trấn. Trong đó có 48 mô hình sản xuất lúa với tổng diện tích 263 ha và 2 mô hình trồng rau màu diện tích 9 ha. Các mô hình chuyên canh góp phần nâng giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản của huyện đạt 189 triệu đồng/năm, tăng 14 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người 72,1 triệu đồng/năm, tăng 7 triệu đồng...
Các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, các mô hình cây trồng, vật nuôi mới được tăng cường triển khai như 7 mô hình trình diễn cấy lúa bằng máy, với tổng diện tích 28 ha; 4 mô hình cấy máy mở rộng, tổng diện tích 52,2 ha; phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái đối với 249,8 ha lúa mùa; triển khai thực hiện 1 mô hình trồng cây hẹ thu bông; 1 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng; 1 mô hình nuôi ốc nhồi...
Có 7/15 xã đã được cấp mã số vùng trồng cho cây trồng chủ lực, ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc. Các vùng chuyên canh được định hướng phát triển theo các mô hình chuyên canh cao, sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP. Nhiều hình mẫu đáng kể đang phát huy hiệu quả như các vùng chuyên canh cà rốt ở khu vực bãi sông Thái Bình và trong đồng của 2 xã Đức Chính và Cẩm Văn, dưa hấu Ngọc Liên, bí xanh Cẩm Hưng...
Việc nhân rộng các mô hình chuyên canh là một nội dung để thực hiện Đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, tạo ra vùng sản xuất quy mô lớn, sản phẩm nông sản an toàn và phát triển bền vững, giai đoạn 2021-2025" của Huyện ủy Cẩm Giàng.
PV