Để phát triển hệ thống giao thông nông thôn, huyện Cẩm Giàng chỉ đạo các xã phát huy nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Giờ đây, mỗi lần đi từ thôn Phú An đến thôn Đào Xá, người dân xã Cao An (Cẩm Giàng) không còn kêu ca nữa. Con đường dài 3 km đầy bụi bẩn, lổn nhổn ổ gà, ổ voi đã được thay thế bằng đường bê-tông thoáng rộng. Người dân Cao An tự hào vì đây là con đường đẹp nhất xã. Bác Nguyễn Thị Vui ở thôn Phú An cho biết: “Trước đây, mỗi lần lên thăm con gái ở Đào Xá, tôi phải đi qua con đường này vừa xóc, vừa bụi. Từ ngày con đường được UBND xã đầu tư trải bê-tông, tất cả người dân trong xã đều phấn khởi."
Xã Cao An có hơn 40 km đường giao thông, trong đó 13,71 km đường liên thôn, 17,1 km đường liên xóm và hơn 10 km đường nội đồng đã được trải bê-tông. Toàn xã còn 2 km đường liên xóm lát gạch từ hơn 10 năm trước đã xuống cấp. Ông Nguyễn Đức Lợi, Chủ tịch UBND xã Cao An cho biết: Cao An coi phát triển giao thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Hằng năm, xã đều rà soát lại các tuyến đường đã xuống cấp để huy động mọi nguồn lực sớm sửa chữa, cải tạo. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, huyện, UBND xã còn tiết kiệm chi 10-15% để tái đầu tư phát triển các công trình giao thông. Đặc biệt, 5 năm qua, nhiều hộ dân trong xã đã tích cực hiến đất, đóng góp gần 10 tỷ đồng để kiên cố hóa đường giao thông liên thôn, liên xóm và giao thông nội đồng. Năm 2012, Cao An có kế hoạch đầu tư gần 2 tỷ đồng hoàn thành 2 km đường giao thông liên xóm còn lại, phấn đấu đến năm 2015 đạt tiêu chí giao thông của xã nông thôn mới.
Những năm trước đây, con đường lát gạch xuống cấp dài gần 3 km từ thôn An Tân đến Đức Trạch đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân Cẩm Định. Nghề nuôi thủy sản ở Cẩm Định cũng gặp nhiều trở ngại do thương lái không thể đi ô-tô vào tận nơi để thu mua mỗi dịp thu hoạch. Người dân phải chở từng xe bò cá nước chảy lõng bõng ra đường 194 C bán cho các thương lái. Năm 2009, xã quyết tâm cải tạo, nâng cấp tuyến đường này. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), con đường liên thôn dài gần 3 km, rộng hơn 4 m đã được đưa vào sử dụng. Chính quyền địa phương đã vận động các hộ dân của thôn An Tân, Đức Trạch hiến đất để mở rộng và đóng góp nhiều ngày công san lấp mặt bằng làm đường. Năm 2010, cùng với đơn vị thi công là Công ty TNHH W 29, phụ nữ và đoàn viên thanh niên trong xã đã đóng góp gần 100 ngày công để làm đường. UBND xã cũng đã đầu tư hơn 700 triệu đồng phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.
Huyện Cẩm Giàng có tổng số hơn 300 km đường giao thông, trong đó, 90% là đường giao thông nông thôn (GTNT). Đến nay, huyện đã trải nhựa và bê-tông hóa được hơn 200 km đường liên thôn, liên xã; 100% trục chính liên xã đã được trải nhựa hoặc bê-tông. Ngoài ra, đã có 48,6km đường ngõ, xóm trong huyện được bê-tông hóa với tổng kinh phí 19 tỷ đồng.
Để phát triển hệ thống GTNT, huyện Cẩm Giàng chỉ đạo các xã phát huy nội lực là chính, sử dụng hợp lý nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh và Trung ương. Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, các nguồn vốn huy động từ đấu giá quyền sử dụng đất, kinh phí đóng góp của nhân dân và nguồn vốn hỗ trợ từ cấp trên đều được thông báo công khai đến nhân dân. Việc lập dự án, thiết kế, giám sát thi công đều được bàn bạc với nhân dân trước khi thực hiện theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Ông Nguyễn Văn Năng, Trưởng phòng Kinh tế, hạ tầng huyện cho biết: “Phát triển GTNT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cẩm Giàng trong việc triển khai xây dựng nông thôn mới. Đối với những xã có đường GTNT phát triển từ nhiều năm trước, hiện đã xuống cấp, huyện khuyến khích huy động nguồn ngân sách địa phương, vận động người dân hiến đất để mở rộng và phát triển các tuyến đường giao thông theo đúng tiêu chí nông thôn mới. Những xã có điều kiện làm đường mới, huyện đều kiểm tra, phê duyệt kỹ thuật trước khi thực hiện."
LAN ANH