Nghề nấu rượu ở thôn Phú Lộc (xã Cẩm Vũ, Cẩm Giàng) có lịch sử 500 - 600 năm nay.
Men thuốc Bắc gia truyền làm nên thương hiệu của rượu Phú Lộc
Ông Nguyễn Văn Tiển, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vũ cho biết thôn Phú Lộc có hơn 1.200 hộ thì có gần 300 hộ làm nghề nấu rượu. Nghề này đã trở thành nét văn hóa, hồn cốt của quê hương. Trong làng chỉ có 3 hộ làm được loại men gia truyền của các cụ ngày xưa. Men không chỉ bán cho các hộ trong làng mà người dân ngoài tỉnh cũng tìm đến mua. Nhưng cũng là men, loại gạo, quy trình nấu đó nhưng sang vùng đất khác, rượu uống không được êm như rượu nấu ở Phú Lộc. Nhiều người có kinh nghiệm cho rằng đó là do nguồn nước của mỗi địa phương khác nhau.
Gạo để nấu rượu Phú Lộc thường là nếp cái hoa vàng, một giống lúa nếp truyền thống được gieo cấy tại các huyện Kinh Môn, Kim Thành. Ông Hoàng Hữu Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Rượu Phú Lộc đã có 30 năm làm nghề nấu rượu cho rằng loại men gia truyền với 36 vị thuốc Bắc quý hiếm như cát cánh, đại hồi, tiểu hồi, quế, cam thảo, xuyên khung... đã tạo nên hương vị đặc biệt mà chỉ rượu Phú Lộc mới có. Sau giai đoạn lên men giữa gạo nếp và men ủ sẽ là quá trình chưng cất phức tạp qua một hệ thống lọc và xử lý độc tố đa tầng. Nhờ hệ thống này mà rượu giữ được hương vị thơm ngon, lại không ảnh hưởng đến sức khỏe, khi uống không bị đau đầu.
Mỗi năm, làng nghề nấu rượu Phú Lộc sản xuất ra hàng trăm nghìn lít rượu. Chỉ riêng Công ty TNHH Rượu Phú Lộc ở cụm công nghiệp làng nghề Phú Lộc sản xuất từ 60.000 - 80.000 lít rượu. Gia đình ông Vũ là hộ sản xuất men nấu rượu lớn nhất trong làng vì có bí kíp gia truyền, mỗi tháng tiêu thụ khoảng 15 - 20 tấn men. Gia đình ông đã đầu tư khoảng 5 tỷ đồng mua trang thiết bị nấu rượu. Công ty TNHH Rượu Phú Lộc đang tạo việc làm cho 8 người với thu nhập 5,4 triệu đồng/người/ tháng. Gia đình ông Vũ thu lãi khoảng 600 triệu đồng/năm. Hộ ông Vũ Đình Hoan cũng như nhiều hộ làm nghề nấu rượu khác trong làng mỗi năm đều sản xuất khoảng 5.000 lít rượu, thu lãi 100 - 150 triệu đồng.
THẾ ANH