Cải tiến kỹ thuật giúp doanh nghiệp tiết kiệm nguyên liệu sản xuất

20/07/2023 11:12

Thời gian qua, nhiều sáng kiến được doanh nghiệp Hải Dương ứng dụng vào sản xuất, giúp tiết kiệm nhiên liệu, nguyên liệu, qua đó cắt giảm chi phí cả tỷ đồng mỗi năm.


Công ty CP RedstarCera tận dụng bã thải làm nguyên liệu sản xuất

Nguồn cung nguyên vật liệu và nhiên liệu ngày càng khan hiếm, giá thành tăng cao đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp Hải Dương. Để khắc phục, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn đã chú trọng nghiên cứu, áp dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật để tiết kiệm nhiên liệu, nguyên liệu trong sản xuất. 

Nhiều sáng kiến 

Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương là đơn vị đi đầu áp dụng công nghệ lò thổi đỉnh trong sản xuất thép thành phẩm. Sáng kiến nâng cao tỷ lệ phế liệu lò thổi 45 tấn bằng cách sử dụng đá dolomite nung thay thế dolomit sống trong phối liệu tạo xỉ lò thổi là một trong những sáng kiến đem lại hiệu quả cao cho công ty này. Công ty đã nghiên cứu sử dụng đá dolomite nung thay thế dolomite sống trong phối liệu tạo xỉ lò thổi. Theo phân tích của doanh nghiệp, khi sử dụng dolomite nung sẽ nâng cao tỷ lệ phế liệu, giảm nguyên liệu đầu vào từ 10% phế liệu + 90% gang lỏng thành 15% phế liệu + 85% gang lỏng.

Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch ở thị xã Kinh Môn luôn quan tâm đầu tư cho những nghiên cứu giúp giảm nguyên liệu đầu vào. Trong đó phải kể đến sáng kiến sử dụng thạch cao nhân tạo trong sản xuất xi măng của một cán bộ Phòng Kỹ thuật. Thạch cao là một thành phần không thể thiếu trong sản xuất xi măng, được sử dụng với vai trò là phụ gia điều chỉnh thời gian đông kết xi măng. Ở Việt Nam không có nguồn thạch cao tự nhiên nên phải nhập khẩu từ một số nước như Thái Lan, Lào… Trước bối cảnh giá nhập khẩu nguyên liệu ngày càng tăng, từ năm 2019, Công ty Vicem Hoàng Thạch đã tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm và thành công trong việc sử dụng nguồn thạch cao nhân tạo thay thế một phần thạch cao tự nhiên nhằm tiết giảm chi phí sản xuất và góp phần xử lý nguồn phát thải của các nhà máy hóa chất.

Công ty CP RedstarCera ở TP Chí Linh cũng có nhiều nghiên cứu, sáng kiến được ứng dụng vào sản xuất để giảm nguyên liệu đầu vào. Phòng Kỹ thuật sản xuất của công ty đã nghiên cứu, thử nghiệm thành công giải pháp tận dụng bã thải công đoạn mài và hoàn thiện sản phẩm vào làm nguyên liệu đầu vào. Trong quá trình nghiên cứu gặp không ít khó khăn do phải thử nghiệm nhiều lần để tìm ra tỷ lệ phù hợp. Sau nhiều lần thất bại, nghiên cứu đã thành công. Từ năm 2020 đến nay, công ty chính thức tận dụng bã thải của công đoạn mài và hoàn thiện sản phẩm làm nguyên liệu đầu vào. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty CP RedstarCera, trước đây bã thải mài này chỉ để sử dụng cho san lấp, nhưng từ năm 2020 đến nay, công ty sử dụng bã thải mài đưa vào thay thế cho một phần nguyên liệu với tỷ lệ từ 1-3%. Nhờ đó, mỗi tháng công ty tiết kiệm khoảng 100-300 tấn nguyên liệu đầu vào. 


Việc sử dụng đá dolomite nung thay thế dolomit sống trong phối liệu tạo xỉ lò thổi giúp làm lợi hơn 18 tỷ đồng mỗi năm cho Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương

Tiết kiệm chi phí và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Theo Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương, nhờ sáng kiến trên mà khối lượng phế liệu sử dụng tăng lên, nguyên liệu gang lỏng giảm xuống. Cùng với kết hợp điều chỉnh các công đoạn phụ trợ khác đã đem lại hiệu quả cao, làm lợi tương ứng hơn 18 tỷ đồng mỗi năm. 

Còn theo thống kê của Công ty Vicem Hoàng Thạch, hiện nay, doanh nghiệp đã sử dụng từ 60% - 70% thạch cao nhân tạo thay thế cho thạch cao tự nhiên dùng cho các loại xi măng PCB40 đa dụng, PCB30, MC25. Việc sử dụng thạch cao nhân tạo góp phần tiết giảm chi phí sản xuất từ 3 - 4 tỷ đồng/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, công ty đã sử dụng khoảng 165.000 tấn thạch cao nhân tạo và dự kiến đến hết năm 2023 sẽ tiết kiệm chi phí khoảng 4,5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương cho biết từ năm 2022 đến nay, đơn vị đã có nhiều sáng kiến được áp dụng giúp tăng năng suất, cắt giảm chi phí. Điển hình như sáng kiến về thiết kế xây dựng hệ thống tự động điều khiển, thu thập và phân tích dữ liệu (SCADA) tại trạm I Chi nhánh Sản xuất nước Cẩm Thượng (TP Hải Dương). Theo đánh giá của Hội đồng Khoa học công ty, hệ thống giám sát sẽ đưa ra một quy trình vận hành phù hợp, bảo đảm áp lực và lưu lượng phù hợp với năng lực tuyến ống, hạn chế các điểm vỡ do quá tải, tối ưu hóa quá trình sản xuất. Sáng kiến kỹ thuật này giúp điện năng tiêu thụ giảm từ 0,3 xuống 0,25 kW/m3, làm lợi cho công ty hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.

Những sáng kiến cải tiến không chỉ góp phần giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiên liệu, nguyên liệu mà việc thay thế nguyên liệu tự nhiên có hạn bằng nguồn nguyên liệu nhân tạo có nguồn gốc chất thải trong sản xuất còn góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Bên cạnh đó, quá trình áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật giúp giảm thiểu phát sinh khí CO2 ra môi trường, giảm thiểu ô nhiễm. Đây là hướng đi tất yếu, hướng tới sản xuất xanh của các doanh nghiệp.

PHAN ANH

(0) Bình luận
Cải tiến kỹ thuật giúp doanh nghiệp tiết kiệm nguyên liệu sản xuất