Thực hiện dự án Choba, Hội Phụ nữ các cấp đã có những cách làm thiết thực, giúp nhiều hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo và khó khăn xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh...
Dự án CHOBA giúp nhiều hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo và khó khăn xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh
Tỉnh ta là một trong 10 tỉnh trên cả nước được tiếp nhận dự án "Cải thiện vệ sinh cộng đồng bằng cách tiếp cận dựa trên kết quả đầu ra" (gọi tắt là CHOBA) do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Tổ chức Đông Tây hội ngộ tài trợ nhằm giúp phụ nữ nghèo, cận nghèo và khó khăn xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Dự án được triển khai từ tháng 6-2012 đến hết tháng 6-2015. Với sự vào cuộc tích cực của Hội Phụ nữ các cấp, dự án đã đạt những kết quả đáng ghi nhận.
Cách làm thiết thựcLà một trong những xã đầu tiên được tiếp nhận dự án CHOBA, Hội Phụ nữ (HPN) xã Tân Việt (Thanh Hà) gặp khá nhiều khó khăn, bởi đây là dự án được triển khai theo phương pháp mới. Dự án không hỗ trợ tiền trực tiếp cho các hộ dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh (NTHVS), mà sau khi xây xong theo quy chuẩn của dự án, các hộ mới được nhận thưởng. Mức thưởng là 400 nghìn đồng/nhà tiêu hai ngăn sinh thái, 560 nghìn đồng/nhà tiêu tự hoại. Chị Vũ Thị Huyền, Chủ tịch HPN xã cho biết, đối tượng của dự án là hộ nghèo, cận nghèo và khó khăn. Việc bình xét hộ khó khăn khá phức tạp do quy định chỉ được 20% tổng số hộ dân của xã. Do đó, HPN xã đã tích cực phối hợp với lãnh đạo các thôn tổ chức họp lấy ý kiến của người dân, bảo đảm việc bình xét khách quan, công bằng. Sau khi lập danh sách, HPN xã chọn 10 hội viên năng động, nhiệt tình trong công tác hội làm tuyên truyền viên (TTV) của dự án. TTV phải đến từng nhà hộ dân kiểm tra tình trạng sử dụng nhà vệ sinh, tình trạng kinh tế gia đình và ghi chính xác, đầy đủ thông tin của chủ hộ, vận động họ xây dựng NTHVS để được hưởng lợi từ dự án. Hầu hết các hộ dân đưa ra lý do không đủ kinh phí xây dựng. Để giải quyết vấn đề này, HPN đã tìm các nguồn cho hội viên vay vốn như thông qua Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Hà. Lực lượng TTV mỏng nhưng vẫn phải bảo đảm việc theo dõi tình hình xây dựng NTHVS của từng hộ dân vì nếu không đáp ứng theo quy chuẩn của dự án thì không được nhận thưởng. Bà Vũ Thị Hiển vận động được 271 hộ xây dựng NTHVS ở thôn Cam Lộ cho biết: "Thời gian đầu, chúng tôi còn phải nắm rõ thời gian xây xong bể chứa của từng hộ để đến chụp ảnh lập hồ sơ. Cả xã chỉ được cấp một chiếc máy ảnh nên nhiều lúc TTV đang chụp ảnh ở thôn này phải chạy qua thôn kia để đưa cho TTV khác chụp, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng NTHVS". Trước đây, tỷ lệ NTHVS của xã chỉ đạt khoảng 45%, sau khi tham gia dự án con số này đã tăng lên 74%. Xã được nhận 64 triệu đồng từ gói thưởng CCT1 của dự án và đang phấn đấu tăng tỷ lệ lên 75% để hưởng gói thưởng CCT2 (36 triệu đồng).
Không giống như Tân Việt, xã Quang Trung (Kinh Môn) là một trong 26 xã trên địa bàn tỉnh thuộc dự án CHOBA mở rộng. Khó khăn mà xã Quang Trung gặp phải là trình độ tin học của cán bộ HPN còn hạn chế trong khi dự án yêu cầu phải nhập các dữ liệu, thông số trên phần mềm Excel. Để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình vận động các hộ dân, xã đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền. Lợi ích của dự án được phát lồng ghép trong chương trình xây dựng nông thôn mới trên Đài Truyền thanh xã vào thứ tư hằng tuần. HPN xã không chỉ tuyên truyền cho hộ dân mà còn tập huấn cho các nhóm thợ xây trong xã giúp họ nắm chắc các thông số kỹ thuật xây NTHVS theo đúng chuẩn. Đến bây giờ, bà Ngô Thị Gọn ở thôn Tống Thượng vẫn chưa tin là mình có thể xây được NTHVS. Bà Gọn cho biết: "Khi TTV đến vận động tôi không đồng ý vì gia đình không có tiền để xây dựng. Nhưng sau này thấy các chị ấy đi lại nhiều lần vận động nên tôi tham gia dự án. Nếu không có sự nhiệt tình của TTV, sự giúp đỡ kinh phí của anh em, làng xóm thì chẳng biết đến bao giờ tôi mới xây được NTHVS". Bà Gọn chỉ là một trong tổng số 1.016 hộ dân xây NTHVS của xã Quang Trung, trong đó có 416 hộ "lan toả" (những hộ dân không thuộc đối tượng của dự án nhưng vẫn xây NTHVS).
Hiệu quả caoTân Việt và Quang Trung là 2 trong tổng số 69 xã trong tỉnh tham gia dự án CHOBA. Từ tháng 6-2012 đến nay, tỉnh ta có 27.156 NTHVS được xây mới, trong đó có 13.759 hộ dân được nhận thưởng từ dự án với tổng số tiền hơn 7,7 tỷ đồng. 7.836 NTHVS được xây dựng bởi các hộ "lan toả". Tính đến ngày 30-11-2014, có 25 xã có tỷ lệ NTHVS tăng 30% so với ban đầu, 15 xã tăng từ 20% trở lên. Các xã Đông Xuyên (Ninh Giang), Quảng Nghiệp (Tứ Kỳ), Đoàn Kết (Thanh Miện) và Tân Việt (Thanh Hà) được nhận 64 triệu đồng/xã từ gói thưởng CCT1 của dự án, 8 xã đang chờ xét thưởng.
Đây là dự án mang tính nhân văn sâu sắc bởi thực tế hiện nay nhiều người dân ở vùng nông thôn chưa nhận thức được vấn đề cần thiết phải có công trình vệ sinh, một số hộ lại thiếu kinh phí để xây dựng. Dự án CHOBA đã giúp người nghèo, cận nghèo và khó khăn có điều kiện xây dựng NTHVS, thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường cho gia đình và cộng đồng. Trong quá trình thực hiện dự án, năng lực của cán bộ hội các cấp, TTV của hội được nâng cao. Bên cạnh đó, họ còn được trau dồi thêm kỹ năng quản lý dự án, kỹ năng tuyên truyền, vận động cộng đồng, sử dụng công nghệ thông tin... Thông qua việc tuyên truyền, vận động, các TTV còn có cơ hội nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của chị em, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất và góp phần thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào khác của hội. Dự án thành công đã nâng cao và khẳng định vị thế của hội, góp phần thực hiện tiêu chí thứ 17 về vệ sinh môi trường trong tổng số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, cũng như cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch" do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động.
HUYỀN TRANG
Dự án CHOBA tại tỉnh ta được chia làm 3 nhóm. Nhóm 30 xã CHOBA bao gồm: nhóm có thưởng cho hộ dân, TTV và xã; nhóm có thưởng cho hộ dân và TTV, không có thưởng cho xã (CCT1). Nhóm nghiên cứu bao gồm 13 xã là nhóm có thưởng cho xã và TTV nhưng không có thưởng cho hộ dân. Nhóm mở rộng bao gồm 26 xã là nhóm có thưởng cho hộ dân, TTV và Ban quản lý xã. |