Sáng 23.6, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII đã xem xét dự thảo Nghị quyết Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đọc tờ trình dự thảo Nghị quyết Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025
Nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương xác định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, xuyên suốt của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị. Kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh phải được xem là tiêu chí, thước đo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương, đơn vị, tổ chức và kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu...
Công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phải hướng tới mục tiêu tạo môi trường thuận lợi, ổn định, bình đẳng, minh bạch, tuân thủ đúng pháp luật để thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển bền vững, có hiệu quả, nâng cao năng lực và vị thế của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh...
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Hải Dương là 1 trong 20 tỉnh, thành phố có thứ hạng cao nhất về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong phạm vi cả nước; là 1 trong 5 tỉnh có thứ hạng cao nhất trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng bình quân 15%/năm. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GRDP đạt bình quân 35,4%/năm.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra 9 nhóm giải pháp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện để đạt mục tiêu trên. Hải Dương sẽ tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp đột phá khai thông điểm nghẽn về môi trường đầu tư kinh doanh. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, tạo bước chuyển biến đột phá, đi vào thực chất về cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền gắn với tăng cường trách nhiệm giữa các cấp chính quyền trong các lĩnh vực quản lý liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Xây dựng quy trình, thủ tục triển khai thực hiện dự án bảo đảm tính minh bạch.
Hải Dương sẽ tăng cường đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số. Xây dựng và thực hiện tốt quy chế về trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước đối với các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp. Tiếp tục chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Xây dựng, ban hành bộ tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương làm tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đối với từng sở, ngành, địa phương.
Phấn đấu hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh trong năm nay
Coi trọng công tác quy hoạch, coi công tác quy hoạch là chìa khóa để thu hút, quản lý đầu tư có hiệu quả và đầu tư phát triển bền vững. Trong năm 2021 hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện lộ trình xây dựng phần mềm quản lý quy hoạch và công khai các quy hoạch trên môi trường mạng điện tử, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh...
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương yêu cầu phải bảo đảm tính minh bạch, tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực của cộng đồng các doanh nghiệp. Coi trọng việc lấy ý kiến tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia, các hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách. Tập trung giải quyết tốt các khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi, ổn định cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, chính quyền các cấp; gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong tổ chức đối thoại, nắm bắt, xử lý, tháo gỡ vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đối với doanh nghiệp; thực có hiệu quả chương trình trợ giúp pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến, giới thiệu đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư, tập trung ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất các công trình, dự án giao thông kết nối liên vùng, các dự án có sức lan tỏa, hỗ trợ trực tiếp cho thu hút các dự án đầu tư, kinh doanh. Thực hiện thành lập Ban chỉ đạo triển khai các dự án lớn. Tiếp tục thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp...
Tỉnh cũng tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; hoàn thiện vị trí việc làm trong các cơ quan, đơn vị. Có tiêu chí cụ thể đánh giá kết quả thực hiện của cán bộ công chức, nhất là người đứng đầu làm căn cứ cho việc quy hoạch, đào tạo, phân công, bổ nhiệm cán bộ.
HOÀNG BIÊN