Cái giá Saudi Arabia phải trả khi châm ngòi cuộc chiến giá dầu

11/03/2020 09:15

Nền kinh tế Saudi Arabia có thể sẽ là một trong những nạn nhân lớn nhất nếu giá dầu không thể phục hồi.

Thái tử Saudi Arabia - Mohammed bin Salman cuối tuần trướckhơi mào cuộc chiến giá dầu, với tuyên bố hạ giá bán và tăng sản lượng, sau cuộc đàm phán thất bại với Nga. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng cái giá để chiến thắng có thể khiến ông ngần ngại theo đuổi cuộc chiến này trong thời gian dài.  

Nếu giá dầu không thể hồi phục và giao dịch ở mức chưa bằng một nửa so với mức Saudi Arabia cần để cân bằng ngân sách, nền kinh tế này có thể là một trong những nạn nhân lớn nhất. Năng lượng hiện đóng góp tới 80% xuất khẩu và hai phần ba nguồn thu của quốc gia này.

Nếu dầu Brent duy trì ở mức 35 USD, và Saudi Arabia không điều chỉnh chi tiêu công, thâm hụt ngân sách của họ sẽ tương đương 15% GDP năm nay. Trong khi đó, Abu Dhabi Commercial Bank cho biết, dự trữ ngoại hối ròng có thể cạn kiệt trong 5 năm, trừ phi họ sử dụng các nguồn thu khác. Goldman Sachs Group cũng dự báo năm nay, thâm hụt của nước này vào khoảng 12%, khiến nhu cầu tài chính tăng 36 tỷ USD.

Tarek Fadlallah, Giám đốc khu vực Trung Đông tại Nomura Asset Management nhận định: "Saudi Arabia đã tích được khối dự trữ khổng lồ, cho phép họ chống chịu qua thời gian giá thấp kéo dài. Tuy nhiên, việc này cũng có giá của nó. Số tiền đó lẽ ra có thể dùng vào mục đích đa dạng hóa nền kinh tế".

Một cơ sở lọc dầu của Saudi Aramco tại Saudi Arabia. Ảnh: Bloomberg

Một cơ sở lọc dầu của Saudi Aramco tại Saudi Arabia. Ảnh: Bloomberg

Thị trường dầu hôm qua có phiên mất giá mạnh nhất kể từ Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Nguyên nhân là OPEC và các đồng minh không thể thống nhất về việc tiếp tục hạ sản lượng để cứu giá dầu. Có thời điểm, dầu Brent và WTI mất hơn 30%, xuống thấp nhất kể từ năm 2016.

Sáng nay, cả hai loại dầu đã hồi phục, với mức tăng hiện tại hơn 3%. Dù vậy, cả Bank of America Global Research và Goldman Sachs đều dự báo giá có thể về 20 USD.

Saudi Arabia vẫn đang chịu tổn thương từ đợt lao dốc của giá dầu cách đây 6 năm. Hiện tại, họ tham gia cuộc đua với nền tảng kinh tế đang trên đà hồi phục. Tuy nhiên, tài sản nước ngoài ròng của họ hiện tại chỉ bằng hai phần ba so với đỉnh năm 2014. Chính phủ cũng dự báo thâm hụt ngân sách 6,4% GDP năm nay, với giả thiết dầu Brent trung bình 65 USD một thùng. Còn để cân bằng ngân sách năm nay, họ cần giá lên 84 USD.

Cú sốc giá dầu xảy đến đúng thời điểm Covid-19 lan rộng, kéo tụt nhu cầu năng lượng thế giới và làm xô lệch mọi tính toán kinh tế của Saudi Arabia. Thị trường đã lập tức bày tỏ phản ứng, khiến chứng khoán và trái phiếu Saudi Arabia lao dốc hôm qua.

"Rõ ràng thị trường đang đặt cược tài chính của Saudi Arabia giảm sút nghiêm trọng. Trong ngắn hạn, họ vẫn có đủ vũ khí để vượt qua giai đoạn này. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài, các vấn đề nền tảng sẽ nảy sinh", Abdul Kadir Hussain - Giám đốc phụ trách công cụ trả lãi cố định tại Arqaam Capital nhận định.

Hôm qua, trái phiếu của vương quốc này thuộc nhóm chịu tác động mạnh nhất khu vực. Cổ phiếu đại gia dầu mỏ Saudi Aramco cũng giảm kịch sàn, ngày càng xa mục tiêu vốn hóa 2.000 tỷ USD của chính phủ.

Monica Malik - kinh tế trưởng tại Abu Dhabi Commercial Bank cho rằng Saudi Arabia còn nhiều bộ đệm kinh tế, đủ để quan sát diễn biến thị trường dầu và chờ đợi câu trả lời của Nga. "Tuy nhiên, bộ đệm hiện tại đã yếu hơn năm 2014. Nếu cuộc chiến kéo dài và giá dầu vẫn chịu sức ép, Saudi Arabia sẽ lại phải phải giảm chi và thực hiện nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng", vị này nói.

Thỏa thuận với Nga đổ vỡ đẩy Saudi Arabia vào tình thế khó khăn. Nếu họ chọn tham gia cuộc chiến trường kỳ, thắt lưng buộc bụng sẽ không dễ dàng được chấp nhận tại đất nước mà người dân đã quá quen với các chính sách trợ cấp, việc làm và chi tiêu công hào phóng.

Ngược lại, Nga sẵn sàng rời bỏ liên minh với OPEC để tấn công các đối thủ tại Mỹ, vì so với Saudi Arabia, nước này ít chịu ảnh hưởng hơn từ giá dầu thấp. Ngân hàng trung ương Nga đã gây dựng lại khối dự trữ nước ngoài, hiện ở mức cao nhất kể từ tháng 8/2008. Bên cạnh đó, không như Saudi Arabia, Nga thả nổi đồng rouble, giúp họ linh hoạt chính sách trong thời kỳ nguồn thu từ dầu mỏ thấp.

Xét đến tầm quan trọng của chi tiêu công và an sinh xã hội, "độ nhạy cảm trong nước của Saudi Arabia với kinh tế trượt dốc cao hơn Nga", Hasnain Malik - giám đốc chiến lược cổ phiếu tại Tellimer cho biết, "Cả hai đều có nguồn lực tài chính và mục tiêu duy trì cuộc chiến giá trong một thời gian, có thể là hàng quý, thay vì hàng tháng. Dù vậy, giá dầu giảm mạnh như hôm qua có thể rút ngắn cuộc chiến này".

Một vấn đề khác sẽ bị ảnh hưởng là kế hoạch chuyển đổi kinh tế của Thái tử Mohammed bin Salman cho quốc gia này. Họ muốn tránh phụ thuộc vào dầu thô, thông qua xây dựng các ngành công nghiệp mới như khai mỏ, du lịch hoặc giải trí.

Tuy nhiên, dù đã nới lỏng quy định và cải cách hành chính, giới chức nước này vẫn chưa thể khôi phục dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) như họ nhận được cách đây 10 năm. FDI khi đó lớn gấp 8 hiện tại.

Để giảm sức ép lên tài chính, Saudi Arabia có thể kéo dài thời gian bằng cách tìm đến thị trường nợ. Gần 2 tháng trước, họ phát hành 5 tỷ USD trái phiếu, nhằm chặn lại đà thâm hụt ngân sách. Năm nay, họ lên kế hoạch bán tổng cộng 32 tỷ USD trái phiếu.

Khi ngân sách chính phủ ngày càng thâm hụt, Saudi Arabia cần đến khối dự trữ ngoại tệ để điều chỉnh dần dần chính sách tài khóa, Steffen Hertog - chuyên gia Vùng Vịnh tại Trường Kinh tế London cho biết. "Một cuộc chiến giá sẽ khiến số tiền này hao hụt nhanh chóng, buộc họ thực hiện các điều chỉnh nhanh hơn và đau đớn hơn. Dự trữ của Saudi Arabia hiện chỉ bằng hai phần ba năm 2014 - đợt lao dốc gần nhất của giá dầu. Vì thế, cuộc chiến giá kéo dài sẽ khiến họ thiệt hại lớn", ông nói.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cái giá Saudi Arabia phải trả khi châm ngòi cuộc chiến giá dầu