Cách đây đúng 20 năm, cái chết của Bông hồng nước Anh Dianatrong một tai nạn xe bí ẩn ở Paris khiến cả thế giới bàng hoàng. Điều gì đã xảy ra vào đêm ngày 31-8-1997?
Chiếc xe gặp nạn ngày 31-8-1997 trong đó có công nương Diana, trong đường hầm cạnh cầu Alma ở Paris - Ảnh: AFP |
Có thể nói kể từ vụ ám sát Tổng thống Mỹ John F. Kennedy năm 1963, chưa có bi kịch nào gây ra sự đồn đoán và nhiều thuyết âm mưu như cái chết của Công nương Diana.
Tất cả các cuộc điều tra dài hơi do cảnh sát Pháp và Anh tiến hành đều đi đến cùng kết luận là không có gì mờ ám trong vụ tai nạn khủng khiếp dẫn đến cái chết của vị công nương xứ Wales. Tuy nhiên, điều này vẫn không ngăn được dư luận bàn tán Diana là nạn nhân của một âm mưu giết người.
Vụ tai nạn
Công nương Diana, 36 tuổi, rời khỏi khách sạn Ritz ở Paris khi đồng hồ điểm quá nửa đêm sang ngày 31-8-1997. Tháp tùng cô là anh vệ sĩ Trevor Rees-Jones và người bạn trai Dodi Fayed, con trai của tỉ phú người Ai Cập Mohamed Al-Fayed.
Chiếc xe Mercedes chở họ, trong hoàn cảnh bị bám đuôi bởi một tay paparazzi chuyên săn ảnh người nổi tiếng, đã đâm vào một cột bê tông trong đường hầm Pont de l'Alma ở vận tốc hơn 100km/h. Công nương Diana, Fayed và người tài xế Henri Paul thiệt mạng, riêng anh vệ sĩ Rees-Jones bị thương nhưng sống sót.
Xe cẩu của cảnh sát Paris chở chiếc xe Mercedes có công nương Diana, bị bẹp dúm phần đầu - Ảnh: AFP |
Thuyết âm mưu
Cả thế giới đều bị sốc khi nghe tin. Nhưng cơn chấn động nhanh chóng bị thay thế bằng những lời bàn tán: Vai trò của tay paparazzi đêm hôm đó là gì? Có lực lượng đen tối nào dàn xếp vụ tai nạn?... và nhiều câu hỏi khác.
Thời điểm đó Công nương Diana rất nổi tiếng, và những tiết lộ về cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc của cô đã trở thành nỗi hổ thẹn lớn của Hoàng gia Anh. Diana chia tay Thái tử Charles năm 1992.
Trong một lá thư viết năm 1995, Công nương Diana có nhắc nỗi lo sợ bị Thái tử Charles dàn cảnh “một vụ tai nạn xe”, dù cô cũng ngờ rằng mình có thể chết trong một vụ rơi máy bay nào đó.
Một trong những nhân vật lên tiếng mạnh mẽ nhất khi đó là tỉ phú Mohammad Al Fayed, cha của Dodi Fayed. Ông là chủ sở hữu của khách sạn Ritz ở Paris và trung tâm thương mại Harrod ở London.
Ông Al Fayed khẳng định Hoàng thân Philip, chồng của Nữ hoàng Elizabeth II, là người giật dây các điệp viên Anh giết Diana và Dodi vì ông không ủng hộ mối quan hệ này. Nhà tỉ phú nói Diana đã mang thai và có ý định cưới Dodi, nhưng Hoàng gia Anh không thể chấp nhận một vị công nương cưới một người Hồi giáo.
Năm 2008, Al Fayed khai trong một cuộc thẩm vấn rằng bản danh sách những người đứng sau âm mưu bao gồm Hoàng thân Philip, Thái tử Charles, cựu thủ tướng Anh Tony Blair, bà Sarah McCorquodale - chị của Diana, hai cựu cảnh sát trưởng London và Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA).
Tỉ phú Mohamed Al Fayed (giữa) đến bộ Tư pháp Anh ở London, ngày 2-10-2007, để nghe tường trình về vụ tai nạn xảy ra với công nương Diana và Dodi - con trai ông - Ảnh: AFP |
Kết quả điều tra
Một số cuộc điều tra sau đó đã loại bỏ khả năng có âm mưu tội phạm đằng sau cái chết của Công nương Diana. Một tòa án Pháp năm 1999 kết luận vụ tai nạn gây ra bởi người tài xế Paul trong tình trạng say rượu và lái xe gấp đôi tốc độ cho phép.
Một cuộc điều tra dài 3 năm do cảnh sát Anh tiến hành cũng kết luận người tài xế say rượu và chạy với tốc độ cao để trốn tay săn ảnh paparazzi. Báo cáo cuộc điều tra cũng khẳng định Diana không có thai và không có ý định cưới Dodi.
Năm 2007, một cuộc điều tra tư pháp khác được thực hiện trước Tòa án công lý hoàng gia London. Ban bồi thẩm đã nghe lời kể của 240 nhân chứng trước khi kết luận vào tháng 4-2008 rằng Diana đã chết vì hành động sai trái của người tài xế Paul và tay paparazzi.
Năm 2013, cảnh sát Anh điều tra một tố cáo nặc danh từ một cựu binh sĩ cho rằng lực lượng đặc nhiệm SAS của Anh có liên quan đến cái chết của Diana. Họ kết luận “không có bằng chứng đáng tin” cho lời tố cáo này và từ chối tái mở cuộc điều tra.
Chiếc xe Mercedes có công nương Diana, bị bẹp dúm phần đầu - Ảnh: AFP |
Những bí ẩn còn mãi
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bí ẩn chưa lời giải thích xung quanh cái chết của Công nương Diana, đủ để các thuyết âm mưu tiếp tục tồn tại với thời gian.
Chẳng hạn, người ta không trưng ra được đoạn băng ghi hình vụ tai nạn dù đường hầm có lắp hệ thống camera theo dõi.
Một số nhân chứng nói họ thấy ánh sáng trắng lóe lên trong đường hầm trước vụ tai nạn, một số người khác thì bảo không có.
Và cảnh sát chưa bao giờ tìm ra chiếc xe Fiat màu trắng được trông thấy trong đường hầm. Chiếc xe này có thể đã va chạm với chiếc Mercedes chở Công nương Diana trước vụ tai nạn.
Bà Pauline Maclaran, đồng tác giả quyển sách “Cơn sốt hoàng gia: Nền quân chủ Anh trong văn hóa tiêu dùng”, nhận xét thuyết âm mưu về cái chết của những người nổi tiếng không chỉ phổ biến mà còn tồn tại lâu với thời gian.
“Bản năng con người từ chối tin rằng những thứ tình cờ như một vụ tai nạn xe có thể giết chết một người đặc biệt như Diana. Khi bạn thần tượng ai đó, rất khó để tin họ có thể kết thúc cuộc đời theo một cách tầm thường như vậy” - bà Maclaran nêu ý kiến.
Các nhà điều tra của Anh có mặt trong đường hầm dưới cầu Alma ở Paris ngày 8-10-2007 - Ảnh: AFP |
MINH TRUNG (Tuổi trẻ)