Có rất nhiều ý kiến lý giải cuộc khủng hoảng hiện tại ở Mỹ, trong đó nổi lên là sự bất công với người da màu từ thu nhập, vị trí trong xã hội, tỉ lệ tù đày đến cả tỉ lệ sống chết trong đại dịch COVID-19.
Đòi hỏi hay ao ước giải quyết hết bất công ở đất nước mà vào đầu thập niên 1960 người da màu vẫn không được phép lên cùng chuyến xe buýt hay vô chung nhà hàng... quả thật là một đòi hỏi xa xỉ hiện nay, khi mà cả hai phía da trắng và da màu chưa có đủ những động thái để xích lại gần nhau.
Từ giữa thập niên 1960 ấy tới nay, nước Mỹ đã trải qua bao đời tổng thống, qua mấy cuộc chiến tranh thua có thắng có... Mỗi tổng thống, bằng cương lĩnh đảng của mình và bằng vốn liếng chính trị, văn hóa của mình, có những phong cách cầm quyền riêng. Họ dù khác nhau nhưng có mẫu số chung là không ai muốn thấy xã hội mình đang lãnh đạo thêm chia rẽ.
Thế nhưng sự chia rẽ là điều mà người ta đã chứng kiến trong đại dịch COVID-19 ở Mỹ. Trong khi chính quyền các bang muốn tiếp tục "đóng cửa" để tránh dịch tràn lan, chính quyền liên bang nhất mực buộc "mở cửa" để cứu nền kinh tế.
Trong thế tranh chấp đó, xã hội cũng phân hóa theo. Những người muốn an toàn trước dịch thì "đóng cửa", đeo khẩu trang, sau khi hiểu ra rằng đó chính là để tự phòng vệ trước con virus đang ngày ngày sát hại dân Mỹ. Những ai không thích thì nhân danh tự do mà xuống đường đòi "mở cửa" cho bằng được, đòi người khác không được đeo khẩu trang, thậm chí rút súng bắn chết một nhân viên bảo vệ khi bị nhắc đeo khẩu trang ở một cửa hàng tiện lợi ở bang Michigan đầu tháng 5 năm nay.
Rồi hôm chủ nhật tuần rồi, một tài xế xe 18 bánh thản nhiên lái xe với tốc độ 112km/h tông thẳng vào đám người biểu tình trên một đoạn xa lộ đã được "đóng" ở Minneapolis (bang Minnesota), nhưng sau đó được thả ra mà không bị truy tố gì, dù video giám sát có ghi toàn cảnh và video này lan truyền lên mạng.
Làn sóng bạo lực đã "quen thói" từ mấy tháng qua trong vụ dịch, nhất là khi xuống đường đòi "mở cửa", đã lan qua cuộc khủng hoảng mà ban đầu chỉ là để phản đối ôn hòa cách cảnh sát đối xử với người da màu, để rồi biến thành phản kháng bạo lực, trong đó có cả ăn theo, hôi của, cướp bóc.
Những gì đã xảy ra trong suốt năm 2018 khắp nước Pháp được hiểu là những "đòn thù" từ xa chống lại Tổng thống trẻ tuổi Emmanuel Macron "cứng đầu" trong đối ngoại. Câu chuyện ở chính trường nước Pháp có thể là cảnh báo cho tổng thống Mỹ Donald Trump rằng có khả năng những thế lực nước ngoài cay cú ông Trump đang giật dây cho vài nhóm "con rối" kích động biểu tình ở Mỹ.
Cái bẫy giờ đây là cám dỗ sử dụng quân đội liên bang. Nếu như thế, sẽ thật trớ trêu khi huy động quân đội để trấn áp những cuộc phản kháng mà lý do đầu tiên là vì cảnh sát bạo lực hành chết dân thường.
Cũng may là Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã phản đối việc này: "Binh sĩ hiện chỉ có thể được sử dụng trong những tình huống khẩn cấp và ngặt nghèo nhất, song chúng ta đang không ở trong tình trạng đó".
Theo Tuổi trẻ