Phát triển nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm hữu cơ đặc hữu, tăng cường quảng bá những điểm du lịch hấp dẫn là cách để Tứ Kỳ xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, du lịch trải nghiệm.
Dù không có nhiều thế mạnh phát triển du lịch như địa phương khác nhưng Tứ Kỳ đã và đang có nhiều cách làm hay, hiệu quả để sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện.
Quảng bá hình ảnh
Ngày 13.6 vừa qua, lần đầu tiên huyện Tứ Kỳ tổ chức lễ hội lúa rươi hữu cơ mang đậm nét đặc trưng văn hóa, mảnh đất và con người nơi đây. Lễ hội được quảng bá rộng rãi qua các kênh truyền thông, được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh biết đến. Anh Nguyễn Văn Chiến đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội cho biết: "Trước đây tôi chỉ biết về Tứ Kỳ qua các món ăn đặc sản làm từ con rươi, con cáy. Thông qua lễ hội lúa rươi hữu cơ được phát trên các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam tôi còn biết thêm về một số lễ hội đặc sắc ở đây như đùa nơm, gặt lúa cũng như nhiều điều lý thú khi du khách đến trải nghiệm tại bãi rươi An Thanh. Chính vì thế, dịp hè này, tôi sẽ đưa các con đến tham quan, trải nghiệm tại đây".
Học sinh đến tham quan, trải nghiệm tại bãi rươi xã An Thanh
Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng, lễ hội lúa rươi hữu cơ Tứ Kỳ tạo nên giá trị ở tầng thứ 4 (nông nghiệp trải nghiệm) và đây chính là hướng đi mới của Tứ Kỳ. Địa phương phát triển nông nghiệp đặc hữu không chỉ nâng cao giá trị dinh dưỡng, vật chất mà còn nâng cao giá trị văn hóa, lịch sử, du lịch trải nghiệm.
Cách làm mới này sẽ góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng cho sự phát triển mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tứ Kỳ lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Theo đồng chí Vũ Thị Hà, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ, địa phương chủ động liên kết xúc tiến du lịch nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh, con người của huyện. Đến nay, huyện đã kết nối được 3 công ty du lịch lữ hành trên địa bàn để xây dựng các tuyến du lịch trong huyện và kết nối với các tỉnh, thành phố lân cận; hỗ trợ xã Hưng Đạo xây dựng bản thuyết minh về điểm di tích bằng video, hình ảnh, in ấn thành tập gấp, sách...
Không chỉ vậy, người dân địa phương cũng mong muốn quảng bá về hình ảnh quê hương mình. Tại khu vực cống Sồi, xã An Thanh, người dân đã cải tạo trồng hoa, cây xanh và đặt ghế đá xung quanh. Những bờ vùng, bờ thửa trên đồng ruộng hay vệ đường cũng được trồng dừa, mít, chuối. Địa phương đang cải tạo, nâng cấp tuyến đường trục xã nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân cũng như du khách. Đặc biệt khu sinh thái Hà Tiến trở thành điểm đến tham quan, trải nghiệm của du khách ngay tại bãi rươi, đồng thời thưởng thức món ăn dân dã do chính người dân An Thanh chế biến.
Gắn với thực hiện đề án
Với Đề án "Xây dựng và phát triển du lịch huyện Tứ Kỳ giai đoạn 2021-2025", huyện đã xác định rõ tiềm năng du lịch của huyện là nông nghiệp, sinh thái trải nghiệm và tâm linh. 8 xã là điểm du lịch với các sản phẩm chủ yếu để định hướng đầu tư và khai thác, gồm: Hưng Đạo (làng nghề thêu ren, đình - đền Lạc Dục), Bình Lãng (Lăng bà Bổi Lạng), Quang Phục (vùng nuôi thuỷ sản, mô hình trồng nấm), Tân Kỳ (vùng nuôi thuỷ sản công nghệ cao), Quang Khải (vùng trồng hoa sen), An Thanh (nông nghiệp hữu cơ), Tiên Động (hàng dừa, nuôi thuỷ sản), Hà Thanh và Hà Kỳ (nuôi thuỷ sản).
Theo Phòng Văn hóa và Thông tin Tứ Kỳ, huyện còn có 5 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 20 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Nhiều di tích lịch sử kiến trúc mang giá trị văn hóa tiêu biểu cho cả một thời kỳ lịch sử như chùa Lâm (xã Minh Đức), đình Ngọc Lâm (xã Tân Kỳ)... Nổi bật là cụm di tích đình - đền Lạc Dục (xã Hưng Đạo) với lịch sử kiến trúc và cảnh quan mang đậm dấu ấn của văn hóa xứ Đông. Huyện đang đầu tư tu bổ, tôn tạo cấp thiết 7 di tích được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công trong năm 2022 với tổng kinh phí 18,4 tỷ đồng. Xã Hưng Đạo huy động nguồn xã hội hóa đang tu sửa đình Lạc Dục với kinh phí 15 tỷ đồng.
Để xây dựng Tứ Kỳ trở thành điểm đến hấp dẫn, cần hình thành chuyến du lịch kết nối chuỗi các di tích, khu sinh thái. Theo đồng chí Vũ Thị Hà, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ, Đề án "Xây dựng và phát triển du lịch huyện Tứ Kỳ giai đoạn 2021-2025" là một đề án mới và khó. Tiến độ triển khai thực hiện còn chậm so với kế hoạch đề ra. "Thời gian tới, huyện sẽ tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm hữu cơ đặc hữu, tăng cường quảng bá những điểm du lịch hấp dẫn đến người dân, doanh nghiệp... Đây chính là cách để xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, du lịch trải nghiệm của huyện", đồng chí Hà nói.
NGUYỄN THẢO