Trong mùa dịch sốt xuất huyết (SXH), nhiều cha mẹ tự ý mua thuốc về điều trị cho con, cũng không ít phụ huynh gọi người đến nhà truyền dịch.
Những sai lầm này có thể làm bệnh nặng hơn, mất cơ hội chữa trị kịp thời, thậm chí gây tai biến cho trẻ.
Hạ sốt đúng cách và dùng thuốc phù hợp
Trẻ SXH thường sốt cao đột ngột tới 39-40 độ C trong 2-7 ngày, nhức mỏi mình mẩy, đau sau hốc mắt, đau đầu dữ dội. Tâm lý sốt ruột khiến nhiều phụ huynh mắc 2 sai lầm: Tự ý sử dụng thuốc hạ sốt - giảm đau; uống quá liều và dồn dập.
Trẻ SXH chỉ được dùng thuốc hạ sốt chứa thành phần paracetamol đơn chất. Tuyệt đối không dùng thuốc hạ sốt chứa hoạt chất kháng viêm không steroid có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu, chống đông máu. Uống các loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu trong cơ thể trẻ nghiêm trọng hơn, có thể gây xuất huyết (dưới da, dạ dày, nội tạng) và toan máu, nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý đọc kỹ thành phần thuốc hoặc hỏi dược sĩ để tránh dùng nhầm.
Trẻ SXH thường sốt cao khó hạ, nhất là những ngày đầu. Ngay cả khi uống thuốc hạ sốt, chỉ 30-45 phút sau trẻ đã có thể sốt cao trở lại. Điều này khiến cha mẹ lo lắng mà tự ý tăng liều, hoặc vừa uống vừa đặt hậu môn dẫn đến quá liều. Paracetamol không độc với liều điều trị, song khi quá liều sẽ chuyển hóa thành chất N-acetyl-benzoquinonimin gây độc cho gan, kể cả với thuốc hạ sốt nhét hậu môn.
Cha mẹ cần cho trẻ dùng thuốc đúng chỉ định bác sĩ hoặc hướng dẫn sử dụng trên bao bì sản phẩm. Liều đúng là 10-15 mg paracetamol/1kg cân nặng. Tổng liều không quá 60 mg/kg cân nặng trong 24 giờ, tức là khoảng 4-6 tiếng mới cho trẻ uống hạ sốt một lần, tối đa 4-5 lần mỗi ngày.
Không lạm dụng thuốc kháng sinh
Bệnh do virus gây nên, trong khi kháng sinh chỉ có tác dụng với vi khuẩn nên kháng sinh không được khuyến cáo sử dụng khi bị SXH. Bác sĩ chỉ kê đơn kháng sinh trong một số ít trường hợp, ví dụ như trẻ vừa SXH vừa mắc thêm một bệnh nhiễm trùng khác (viêm amidan, viêm phế quản…).
Nguy hiểm hơn, nếu trẻ có cơ địa dị ứng với kháng sinh, trẻ vừa bị SXH, vừa bị dị ứng thuốc (tiêu chảy, phát ban, sốc…) khiến việc chữa trị phức tạp hơn nhiều.
Không tự ý truyền dịch tại nhà
Trẻ SXH thường bị mất nước, khô da, khô môi, mệt mỏi. Nhiều phụ huynh thấy vậy bèn gọi người đến nhà truyền nước, hoặc mang con đến phòng khám thiếu chuyên môn và trang thiết bị cấp cứu. Trên thực tế, đã có trường hợp trẻ SXH tử vong bởi nguyên nhân này. Khi trẻ sốt cao, nên bù dịch sớm bằng đường uống như nước sôi để nguội, dung dịch oresol, nước trái cây...
Theo Sức khỏe và đời sống