"Khéo ăn khéo nói sẽ có được thiên hạ", câu này không sai nếu bạn sớm biết tầm quan trọng của nghệ thuật giao tiếp với mọi người.
Giao tiếp hiệu quả hay ăn nói có duyên, khéo léo luôn là điều quan trọng nhất trong các cuộc gặp gỡ hàng ngày. Chúng ta sẽ gặp nhiều người trong quá trình làm việc hay đi ra ngoài, vì vậy giao tiếp là vấn đề nên được chú ý một cách cẩn thận.
Làm thế nào để chúng ta có thể giao tiếp hiệu quả, có duyên và ấn tượng với mọi người? Sau đây là những gợi ý tuyệt vời dành cho bạn.
Đừng vội vạch lỗi người khác
Làm sao bạn có thể giao tiếp tốt nếu mục đích giao tiếp của bạn là liên tục chứng minh người khác sai, người khác đang có lỗi hay họ có vấn đề?
Bạn đã bao giờ gặp kiểu người nghĩ rằng anh ấy luôn đúng về mọi thứ và không ngừng chứng minh điều đó, nhưng hoàn toàn không nhận được sự đón nhận của người nghe? Vì vậy, khi bạn nói chuyện với người khác, hãy để họ nói ra lập trường, quan điểm của họ, đồng thời để anh ta đo lường mọi thứ từ một góc độ khác và quyết định điều gì là tốt hay xấu, nên nói hay không.
Vì không có gì là đúng hay sai hoàn toàn trong mọi việc, chỉ là nó có phù hợp với bạn hay không, và nguyên tắc giao tiếp là hai bên phải bình đẳng như nhau.
Sử dụng đúng 3 yếu tố quan trọng của giao tiếp
Ba yếu tố giao tiếp mặt đối mặt (trực tiếp) giữa con người với nhau là lời nói, giọng nói và ngôn ngữ cơ thể.
Sau 60 năm nghiên cứu của các nhà khoa học hành vi, trong giao tiếp mặt đối mặt, tỷ lệ ảnh hưởng của ba yếu tố chính là lời nói 7%, giọng nói 38% và ngôn ngữ cơ thể 55%. Hầu hết mọi người thường nhấn mạnh nội dung lời nói mà bỏ qua tầm quan trọng của giọng nói và ngôn ngữ cơ thể.
Trên thực tế, giao tiếp là để đạt được sự nhất quán và đi vào kênh của người khác, tức là giọng nói và ngôn ngữ cơ thể của bạn phải khiến đối phương cảm thấy những gì bạn nói rất phù hợp với những gì bạn nghĩ, nếu không, bên kia sẽ nhận sai thông điệp của bạn. Vì vậy, khi giao tiếp, bạn nên thường xuyên rèn luyện sự thống nhất về nội dung, giọng nói và động tác cơ thể.
Có kết nối khi trò chuyện, tập trung vào câu chuyện
Bạn luôn cần có sự kết nối với đối phương, cả hai cùng phải có sự ăn nhập về nội dung và làm cho cuộc trò chuyện trở nên thoải mái và vui vẻ.
Nếu bạn có thể nói về những quan điểm giống như đối phương trong suốt cuộc trò chuyện, hai người có sự đồng điệu thì đối phương sẽ tự nhiên quan tâm đến bạn và có ấn tượng tốt về bạn.
Mọi người sẽ coi người đồng ý với ý kiến của họ là người nâng cao giá trị và lòng tự trọng của họ, từ đó thể hiện sự chấp nhận và gần gũi. Nếu rơi vào tình huống không đồng ý với quan điểm của ai đó, chúng ta cũng phải tìm ra những phần mình có thể đồng ý, để tạo điều kiện tiếp tục đối thoại. Nếu bạn chỉ có giọng điệu phản đối, thì cuộc nói chuyện sẽ đi vào ngõ cụt và sớm thất bại.
Ngoài ra, bạn cũng nên sử dụng tư duy, đầu óc để tập trung vào đối thoại để có một cuộc trò chuyện thú vị. Trừ khi đó là bạn thân, còn không thì đừng nói về những chuyện buồn bực khó chịu của bạn cho người không thân thiết.
Khen ngợi một cách tự nhiên, có căn cứ
Nhà văn Lev Tolstoy đã từng có câu nói rất hay: "Ngay cả trong những mối quan hệ giữa các cá nhân tốt nhất, thân thiện nhất và trong sáng nhất, sự khen ngợi và tán thành là cần thiết, giống như dầu cần thiết cho bánh xe để bánh xe có thể quay nhanh". Muốn có một mối quan hệ giữa các cá nhân tốt, bạn phải học cách khen ngợi người khác mà không để mất cơ hội thể hiện điều này thường xuyên.
Tất nhiên, lời khen phải xuất phát từ trái tim. Đồng thời, chúng ta nên chú ý khen ngợi những hành vi và sự thay đổi cụ thể của đối phương, thay vì khen ngợi người này một cách chung chung.
Khen ngợi người khác một cách đúng đắn và có căn cứ chính là chìa khóa giúp bạn đạt được sự thành công trong giao tiếp, giúp bạn tạo được ấn tượng tốt và những cơ hội mới trong tương lai.
Theo VTC