Cách mạng công nghiệp 4.0: Bài 2 - Xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ cho nền công nghiệp số

28/07/2018 10:28

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ, mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức...

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất gia công cơ khí được trang bị hiện đại của Trường Hải

Cần thiết xây dựng hành lang pháp lý

Để chủ động nắm bắt, khai thác cơ hội, ứng phó giải quyết thách thức của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định: Công nghiệp số là nền tảng trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ cho nền công nghiệp số, chuẩn bị toàn diện cho quá trình chuyển đổi số, bắt đầu từ quản trị công quốc gia đến các mô hình kinh doanh trong nền kinh tế số, xã hội số; phát triển cơ sở hạ tầng thông tin; đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao; cải cách hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia… mang tính cấp bách và cần thiết. Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc biệt coi trọng phát triển công nghệ thông tin trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam nghiên cứu, xây dựng những chính sách pháp lý đặc thù theo mô hình “môi trường pháp lý 4.0” để tạo điều kiện rộng mở cho các doanh nghiệp, người dân nghiên cứu, ứng dụng sản phẩm công nghệ trong thời gian tới.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Liêm, Trưởng Nhóm nghiên cứu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng nhận định: Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi cả Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam phải có những đổi mới mạnh mẽ, xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ cho nền công nghiệp số hóa, chuẩn bị toàn diện cho quá trình chuyển đổi số… để Việt Nam “thụ hưởng” hiệu quả nhất giá trị Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tại hội thảo chuyên đề về “Các xu hướng lớn của chuyển đổi số, các cơ hội và thách thức của nền kinh tế số đối với Việt Nam”, các đại biểu và chuyên gia các nước cũng khẳng định sự cần thiết xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ cho nền công nghiệp số; đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm thực tế, đề xuất các giải pháp để giúp Việt Nam xây dựng chủ trương, chính sách và hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 một cách chắc chắn và hiệu quả.

Nhiều diễn giả đã nêu ra những khuyến nghị cho Việt Nam trong việc tiếp cận, hội nhập sâu rộng hơn vào Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ cho nền công nghiệp số, trong đó tập trung vào thể chế, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh thông thoáng. Bên cạnh đó, cần có chính sách để đảm bảo nguồn nhân lực có năng lực phù hợp để tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các chính sách và nội dung giáo dục cũng cần được thay đổi mạnh mẽ để tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới… Việt Nam cần có những cơ chế, chính sách tạo ra những thay đổi căn bản về hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với các chính sách khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo… 

Thực hiện Chiến lược quốc gia

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ trên thế giới, các quốc gia, Chính phủ các nước quan tâm và chủ động ban hành các chiến lược phát triển 4.0 cho riêng mình như: Đức (Industrie 4.0), Mỹ (Liên minh Internet công nghiệp), Hàn Quốc (iKorea 4.0), Trung Quốc (Made in China 2025)... Từ thực tế và kinh nghiệm của các nước, Việt Nam cũng đang xây dựng Chiến lược quốc gia cho riêng mình. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thành việc xây dựng Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0; Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Báo cáo Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2035; từng bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình hành động phù hợp với Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó xác định rõ mục tiêu ưu tiên, các giải pháp thực hiện cụ thể, phù hợp.

Với vai trò là cơ quan đầu mối, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các bộ, ngành rà soát, xây dựng các chủ trương, chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý đảm bảo cho Việt Nam khai thác tốt cơ hội, ứng phó giải quyết thách thức của Cách mạng công nghiệp 4.0. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sớm hoàn thiện để phê duyệt và đưa vào triển khai “Chương trình trọng điểm cấp quốc gia về Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

Tại hội thảo chuyên đề về “Các xu hướng lớn của chuyển đổi số, các cơ hội và thách thức của nền kinh tế số đối với Việt Nam”, nhiều diễn giả cũng khuyến nghị Việt Nam xây dựng chính sách để phát triển các hướng công nghệ ưu tiên trong thời gian tới, cùng với những chính sách cần thiết xây dựng để tạo điều kiện thuận lợi cho định hướng công nghệ ưu tiên được triển khai hiệu quả. Bên cạnh đó, các diễn giả cũng đề cập đến các nội dung phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam, các xu thế, đề xuất các chính sách để định hướng phát triển cơ sở hạ tầng thông tin, ứng dụng mô hình kinh doanh mới trong kinh tế số.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cũng cho rằng: Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo ra những thay đổi căn bản về hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, chấp nhận rủi ro, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhà nước phải được cho phép coi đầu tư cho khoa học và công nghệ như một khoản đầu tư lâu dài mà không yêu cầu thu hồi vốn trước mắt. Bên cạnh đó, hoàn thiện chính sách đầu tư và thoái vốn cho đầu tư mạo hiểm nhằm thúc đẩy hình thành nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực 4.0. 

Cách mạng Công nghiệp 4.0: Bài 3 - Xây dựng và phát triển hệ sinh thái số.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách mạng công nghiệp 4.0: Bài 2 - Xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ cho nền công nghiệp số